Chủ nhân của hệ thống phân phối trang thiết bị, hóa chất, mỹ phẩm làm nail tại Đức chính là một phụ nữ Việt Nam, một Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức. Tên chị là Nguyễn Thị Hà, còn cư dân ở Đồng Xuân - Berlin quen gọi là Hà nail. Chị vinh dự được là một trong những đại biểu về dự đại hội Người Việt toàn thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội.
Thành công trên thương trường, nhưng...
Nếu như cộng đồng người Việt tại Mỹ rất nổi tiếng với nghề làm nail đến nỗi tới Mỹ bạn muốn gặp người Việt thì cách nhanh nhất là vào các tiệm nail, thì tại châu u cái nghề này lại mới xuất hiện và cũng do chính người Việt mình du nhập vào. Đầu tiên là ở London vào năm 2001 rồi mãi tới 2005 mới du nhập vào Đức, CH Séc..., và Hà nail chính là người đầu tiên tại hai nước này mở tiệm làm nail.
Có lẽ sự khéo tay cộng với đức tính cần cù chịu khó và luôn niềm nở với khách của người Việt đã thuyết phục được người Đức, khách hàng mỗi ngày một nhiều, các tiệm nail theo đó cứ đua nhau mọc lên trên khắp nước Đức.
Chị Hà cho biết, đến nay riêng tại khu vực xung quanh Berlin đã có tới 2.000 - 3.000 tiệm nail, trong đó có tới 70% là của người Việt, một số Việt kiều từ Mỹ cũng qua Đức mở tiệm nail.
Nhận thấy thị trường của dịch vụ này phát triển rất nhanh chóng tại Đức và một số nước Đông u khác, Hà nail lại một lần nữa đi tiên phong trong lĩnh vực cung cấp và phân phối trang thiết bị, hóa chất, mỹ phẩm cho các tiệm nail. Thân gái dặm đường, một mình chị lặn lội sang Anh rồi qua Mỹ tìm hiểu, đặt hàng. Hiện công ty chị là nhà nhập khẩu lớn của ba nhà máy hóa chất hàng đầu về ngành nail tại Mỹ.
Hàng năm chị đều dành thời gian đi dự hội chợ nail tại Mỹ để học hỏi kinh nghiệm và tìm đơn hàng mới. Chị cũng thường xuyên về Việt Nam để đặt hàng bàn ghế, nội thất cho các tiệm nail, mẫu mã do chị gửi về, trong nước giá nhân công rẻ mà thợ mình lại khéo tay nên kiểu cách và chất lượng không hề thua kém - chị cho biết.
Ngoài giá cả cạnh tranh nhờ nhập hàng số lượng lớn cùng chữ tín trong kinh doanh, Hà nail còn có một lợi thế mà ít người trong nghề có được, đó là có thể tư vấn, giải thích một cách khoa học về các loại thuốc làm nail cho khách hàng, loại nào không độc và loại nào có thể gây dị ứng... Sở dĩ như vậy, vì ít người biết rằng chị từng tốt nghiệp ĐH ngành Hóa tại Liên Xô cũ.
Năm 1979, cô nữ sinh nết na học giỏi Nguyễn Thị Hà quyết định thi vào ĐH Sư phạm I Hà Nội, đỗ điểm cao và trúng tuyển đi du học tại Liên Xô chuyên ngành Hóa học. Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ rồi Liên Xô tan rã, những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc đã xô đẩy cuộc đời cô kỹ sư Hóa này sang một bước ngoặt khác...
Cô sang Đức hành nghề bán quần áo ở thành phố nhỏ Magdeburg cách Berlin 180 km. Lăn lộn đủ nghề nơi xứ người, một mình nuôi hai con nhỏ, người phụ nữ đầy nghị lực này cuối cùng đã may mắn thành công khi khai phá ra một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại đây - nghề làm nail.
|
Thất bại trong hôn nhân
Giờ đây ngồi trò chuyện với người phụ nữ này giữa một siêu thị đồ nail rộng cả ngàn mét vuông tại Berlin với doanh số bán hàng lên tới hơn 1 triệu euro mỗi năm, tôi mới hiểu đằng sau sự thành công trên thương trường này là cả một nỗ lực phi thường của chị.
Nhiều người tại Đức biết đến chị như một phụ nữ Việt Nam năng động và giàu có, làm từ thiện nhiều cho cộng đồng và quê hương. Nhưng ít ai biết gia đình chị từ lâu đã vắng bóng người chồng, người cha sau một cuộc đổ vỡ về hôn nhân. Nữ doanh nhân thành đạt trên đất khách này quyết liệt và táo bạo bao nhiêu trên thương trường thì ngược lại, dường như ngại ngùng và e sợ bấy nhiêu trong chuyện tình cảm.
Chị tâm sự, rất hay đọc báo chí trong nước nhất là các tờ báo tạp chí dành cho phụ nữ, nhưng cứ mỗi lần đọc đến những câu chuyện tan vỡ gia đình của người khác là chị lại thấy nhói đau và sợ hãi... bởi chị quá hiểu nỗi thiệt thòi, cô đơn của một người phụ nữ khi chia tay.
Có thể chính sự thành đạt trên thương trường cộng với tính cả nghĩ của một phụ nữ có học lại là điểm yếu ngăn cản người phụ nữ tài năng này xây tiếp một mái ấm cho đúng nghĩa. Chị nói, giờ đây tài sản vô giá của mình chính là hai cô con gái 16 tuổi và 10 tuổi ngoan ngoãn, học giỏi.
Chị tiết lộ, ở Berlin này có lẽ chị là người Việt đầu tiên dám cho con học trường tư với học phí lên tới 1.900 euro/tháng, bởi những trường phổ thông tư thục trên nước Đức vốn chỉ dành cho tầng lớp quý tộc giàu có.
Những lần đi họp phụ huynh hay đón con, chị bắt gặp những ánh mắt ngạc nhiên của người Đức bởi họ chưa từng gặp bất cứ người Việt nào đưa con vào những ngôi trường danh giá như vậy. Nữ doanh nhân này quan niệm, đầu tư cho con cái là sự đầu tư hiệu quả nhất.
Ba mẹ con người phụ nữ Việt này hiện đang sống trong một ngôi nhà riêng sang trọng và đầm ấm giữa thủ đô Berlin, không có người giúp việc như nhiều gia đình khá giả ở trong nước, một tay chị cơm nước làm việc nhà.
Thói quen tự lập và tự mình quyết định mọi chuyện, dám làm dám chịu cũng là một nét văn hóa, tư duy ở trời Tây. Hà nail kể, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 10 giờ sáng tới 8 giờ tối, một mình lái xe trở về nhà lại lao vào cơm nước cho các con, sau khi chúng ngủ chị lại lọ mọ một mình làm việc tới tận khuya...
Từ một du học sinh thời Liên Xô cũ, rồi một người bán quần áo và giờ đây là một thương hiệu Hà nail nổi tiếng tại CHLB Đức, cộng đồng doanh nhân Việt tại Đức biết đến chị như một phụ nữ thành đạt nhất trên thương trường, một nữ doanh nhân làm từ thiện và công tác xã hội tích cực nhất.
Chị tâm sự, quan điểm của chị là lộc bất hưởng tận, do vậy luôn sẵn sàng ủng hộ đồng bào mình trong và ngoài nước mỗi khi có cơ hội. Chị nói, dân Việt mình nơi đất khách vẫn còn nhiều người khổ lắm, cứ nhìn cảnh người Việt nhẫn nại đứng bán hoa tươi ở bến tàu điện ngầm hun hút gió giữa trời đông băng giá mà thấy xót xa...
Nhiều doanh nhân tại TTTM Đồng Xuân Berlin nhận xét, người đàn ông Việt giàu có nhất nước Đức chính là ông chủ TTTM Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền, còn người phụ nữ kinh doanh giỏi nhất chắc không ai qua mặt được Hà nail. Phàm một nỗi, cả hai con người nổi tiếng này lại vẫn đang cô đơn...
>> Kỳ 1 : Sức mạnh kinh tế Việt ở quận Lichtenberg
Theo Nguyễn Việt Hùng / Tiền Phong
Bình luận (0)