Đàm phán chưa thực sự được tiến hành thì Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã lên tiếng đe dọa rằng nếu như vòng đàm phán này thất bại thì nước ông sẽ sử dụng quân đội để giải phóng khu vực lãnh thổ hiện do Armenia kiểm soát nhưng Azerbaijan cho là thuộc về mình. Chuyện lạ xưa nay hiếm chính ở chỗ đó.
Hai nước láng giềng này tranh chấp khu vực lãnh thổ Nagorno-Karabakh từ nhiều năm nay và đụng độ vũ trang ở đó cũng không phải đã không xảy ra. Hai vị tổng thống của hai nước đã gặp nhau cả thảy 6 lần và lần này là lần đầu tiên kể từ khi Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ, mà Thổ Nhĩ Kỳ vốn cho tới thời điểm đó là nước ủng hộ Azerbaijan trong tranh chấp biên giới lãnh thổ với Armenia. Trong suốt thời gian dài Thổ Nhĩ Kỳ coi việc Armenia trả lại khu vực lãnh thổ này cho Azerbaijan là một trong những điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Trong vụ việc này, vì không thể giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ được bằng biện pháp quân sự nên hai bên mới phải nhờ cậy đến đàm phán ngoại giao. Nếu như có khả năng thực sự thì chắc chắn Azerbaijan đã dùng vũ lực quân sự để giành lại khu vực lãnh thổ này từ lâu rồi. Armenia có đủ khả năng về quân sự để duy trì sự kiểm soát ở khu vực ấy. Tuy nhiên, Armenia muốn tiến hành đàm phán để có được cơ sở pháp lý quốc tế cho việc khẳng định và thực hiện chủ quyền ở đó. Còn Azerbaijan lại cần đàm phán để giành lại về mình những gì hiện đang do đối thủ nắm giữ và muốn dùng pháp lý quốc tế để chứng minh chủ quyền chính đáng của mình đối với khu vực lãnh thổ ấy. Từ đó có thể thấy, chỉ có đàm phán chứ không thể chiến tranh mới đáp ứng được lợi ích và nhu cầu đó của cả hai bên.
Cho nên tuyên bố của ông Aliyev cho thấy Azerbaijan muốn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, vừa gây áp lực đối với Armenia lại vừa giữ quyền sử dụng vũ lực quân sự. Tiến hành đàm phán với quyết tâm và lòng tin nửa vời vậy thì đàm phán ấy rất khó thành công.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)