Tôi cũng chảy nước mắt, nhưng...

24/11/2009 00:47 GMT+7

Tôi đã xem đoạn phim ngắn Nước mắt bào thai của 3 em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế. Tôi không trách các em, mà tôi xót xa vì các em không được người lớn chỉ cho biết đâu là sự thật. Những hình ảnh các em đưa ra trong đoạn phim là không sai. Nhưng khái quát nó lên thành một vấn đề mang tính nhân văn thì cực kỳ nguy hiểm.

Tôi là người có nghề nghiệp gắn liền với con trâu, con bò hơn 30 năm. Tôi xin nói vài sự thật để người lớn và các bạn đọc biết thêm. Năm 2007, một nghiên cứu sinh tiến sĩ do tôi hướng dẫn cần 30 con bê mới đẻ để nuôi làm thí nghiệm đến 24 tháng tuổi, nhưng thầy trò chúng tôi đi rất nhiều nơi ở 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mà không có bất cứ nông dân nào bán, thậm chí chúng tôi sẵn sàng trả giá bằng con bê 1 năm tuổi. Đủ biết dân ta trân trọng hai chữ tâm linh đến mức nào! Bằng thực tiễn hơn 30 năm lăn lộn với nghề chăn nuôi của bản thân, tôi có thể nói chắc một điều là không có bất cứ người chăn nuôi nào lại đem bò, trâu đang có chửa đi bán cho lò mổ.

 Tôi cũng biết chắc một điều là những người làm nghề chế biến súc sản, khi gặp phải trường hợp hy hữu là gia súc đem giết mổ có chửa, thì họ đều coi đó là một xui xẻo lớn, và hầu như những người tôi quen biết trong Nam ngoài Bắc khi gặp trường hợp này đều phải thắp hương ngay hoặc sau đó để xin được thần linh tha thứ.

Với sự thực mà tôi biết đó, thiết nghĩ sẽ không có chuyện bào thai trâu bò trở thành mặt hàng thực phẩm để buôn bán được. Về ai đó có chửa muốn được ăn bào thai trâu bò để cho con mình trong bụng được khỏe mạnh, cũng có thể có. Không gì là không có thể xảy ra. Tuy nhiên nó không thể trở thành vấn nạn như kiểu ma túy được! Nó lại càng không thể là đại diện cho một tập quán, một lòng tin của hầu hết con người Việt Nam chúng ta, lại càng, càng không thể là một nét ẩm thực của xứ Huế - một vùng đất đang bảo tồn giá trị tâm linh của cả dân tộc ta, một xứ sở mà tính nhân hậu, đức độ đã trở thành thương hiệu, trở thành nét đặc trưng của văn hóa.

Các em rất có kỹ năng về làm phim, nhưng các em đã không được người lớn giúp các em hiểu được cuộc sống nên tôi thương các em quá. Tôi xem đoạn phim ngắn mà tôi xót xa, cứ muốn trào nước mắt, cũng là một thứ "nước mắt bào thai" nhưng đây là “bào thai” của dân tộc Việt Nam. Thế mà lại còn đoạt giải, lại được chọn đem sang Nhật để tuyên truyền thì tôi trở nên hoảng sợ rồi. Chuyện không còn là của 3 em học sinh hồn nhiên, trong trắng, nhân hậu nữa!

PGS-TS Nguyễn Tiến Vởn - Trường Đại học Nông Lâm Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.