"Không có nghề cao, nghề thấp"

28/11/2009 07:39 GMT+7

(TNO) Đó là chia sẻ của bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tại buổi giao lưu trực tuyến học nghề lập nghiệp với chủ đề: “Học nghề và việc làm của thanh niên đồng bằng Sông Cửu Long” vào lúc 8 giờ 30 sáng nay (28.11) do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức. Xem video clip

Buổi giao lưu trực tuyến nhằm cung cấp thông tin về dạy nghề, học nghề và việc làm cho thanh niên tại ĐBSCL; trao đổi xu hướng thị trường lao động và việc làm tại ĐBSCL và các tỉnh, thành lân cận trong thời gian tới; tạo diễn đàn cho thanh niên, học sinh, sinh viên, cán bộ làm công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên trao đổi kinh nghiệm thực tế; đồng thời giải đáp những trăn trở, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...

 

 Các khách mời tham dự buổi giao lưu tư vấn - Ảnh H.Thắng

Dù chưa tới 8 giờ nhưng tại hội trường Thành ủy thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã sớm không còn một chỗ trống với sự hiện diện của gần 300 bạn trẻ, thanh niên từ khắp các xã, huyện Đoàn Kiên Giang tề tựu về tham gia giao lưu trao đổi kinh nghiệm về học nghề lập nghiệp. Chủ đề trao đổi, đối thoại: “Học nghề và việc làm của thanh niên đồng bằng sông Cửu Long” khiến màu áo xanh đoàn viên, thanh niên trở nên rộn ràng, sôi nổi hơn, bởi tại đây các bạn trẻ sẽ có dịp được trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến định hướng cũng như các thông tin về công việc trong tương lai của mình.

 

Gần 300 bạn trẻ, thanh niên từ khắp các xã, huyện Đoàn Kiên Giang tề tựu về tham gia giao lưu trao đổi về việc học nghề lập nghiệp - Ảnh H.Thắng

Đây là một trong những kế hoạch dài hạn của đề án “Học nghề, lập nghiệp” do T.Ư Đoàn tổ chức, đang được triển khai rộng khắp trên khắp cả nước. Là khu vực đang tăng tốc phát triển với các thế mạnh về nông nghiệp, lương thực, thủy hải sản, du lịch… Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang là địa phương rất “khát” nhân lực. Ngoài ra với ưu đãi của thiên nhiên, khu vực này cũng đang tích cực triển khai nhiều dự án hỗ trợ các bạn trẻ lập nghiệp, giúp thanh niên tự mình đứng vững với chuyên môn để phát huy hiệu quả kinh tế được tốt nhất.

Cũng trong dịp này, T.Ư Đoàn, tỉnh Đoàn Kiên Giang cũng đã khai mạc lớp tập huấn cán bộ Đoàn về “nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên”.

Đến dự chương trình giao lưu có bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang; bà Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang; ông Nguyễn Đức Đạt - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang; ông Ong Văn Ngay - Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang; anh Nguyễn Nam Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam; ông Đặng Quốc Toàn - Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng Ban TN Công nhân và Đô thị, Trung ương Đoàn.

 

 Các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" trước khi chương trình bắt đầu - ảnh H.Thắng

Đúng 8 giờ 30 phút ông Ong Văn Ngay - Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang phát biểu khai mạc chương trình. Theo ông Ong Văn Ngay nghề nghiệp và việc làm là nhu cầu quan tâm hàng đầu của thanh niên. Mỗi năm, tỉnh Đoàn Kiên Giang cũng đã tổ chức, tư vấn hướng nghiệp cho khoảng 35.000 thanh niên, giới thiệu được khoảng 8.000 việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, trước sự đa dạng về ngành nghề, kỹ năng tư vấn còn chưa tập trung, dẫn đến công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng, đòi hỏi hướng nghiệp của thanh niên. Chính vì vậy, lớp tập huấn cũng như chương trình giao lưu lần này sẽ góp phần bổ sung kiến thức, kỹ năng trọng tâm… cho các cấp bộ Đoàn, góp phần giúp thanh niên nông thôn ngày nay hội nhập nhanh và đứng vững với nghề nghiệp của mình. 

Bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đang giải đáp những thắc mắc của các bạn thanh niên - ảnh H.Thắng
Bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đang giải đáp những thắc mắc của các bạn thanh niên - ảnh H.Thắng

Mở đầu buổi giao lưu, bạn Nguyễn Thị Phượng, đại diện thanh niên vùng U Minh Thượng nêu ngay vấn đề thời sự hiện nay khi cho rằng, trong đợt suy thoái kinh tế vừa qua, việc cắt giảm lao động đều tập trung vào đa số là thanh niên chưa qua đào tạo nghề. Một thực tại hiện nay là thanh niên nông thôn đều ít được đào tạo, đa số là lao động phổ thông. Vậy các doanh nghiệp có những kinh nghiệm gì để thanh niên có thể có được một việc làm ổn định.

Anh Nguyễn Nam Vinh, đại diện doanh nghiệp Huy Nam chia sẻ, đa số các DN đều ưu tiên sử dụng lao động có tay nghề. Chính vì vậy, nếu các bạn thanh niên không tự trang bị, kiến thức cho mình sẽ nằm trong diện bị “sa thải” hơn tất cả. Chính vì vậy, lời khuyên dành cho các bạn thanh niên nên tự học hỏi, tự trang bị cho mình kiến thức để có thể sống với nghề nghiệp của mình. Dù rất khó khăn về đầu vào nhưng bao giờ doanh nghiệp cũng ưu tiên đối với các lao động tay nghề. Cho nên, nếu không có tay nghề, hay tự đặt ra mục tiêu học hỏi cho mình, các bạn thanh niên sẽ rất khó khăn trong việc lập nghiệp. Thanh Niên đừng bao giờ có quan niệm khi vào làm được đào tạo ngắn hạn 1-2 tháng là đã có tay nghề mà nên có kế hoạch nâng cao liên tục kiến thức, tay nghề của mình. Lao động có tay nghề bao giờ cũng có ưu thế tuyệt đối so với lao động chưa qua đào tạo.

Bạn Thạch Thị Thanh Thủy đặt câu hỏi cho các khách mời - ảnh H.Thắng
Bạn Thạch Thị Thanh Thủy đặt câu hỏi cho các khách mời - ảnh H.Thắng

Bạn Thạch Thị Thanh Thủy - đại diện thanh niên thị trấn Kiên Lương đặt câu hỏi: Hiện nay, vấn đề đào tạo công ăn việc làm cho thanh niên đang là vấn đề được quan tâm. Vậy tôi xin hỏi là làm thế nào để thanh niên tiếp cận nguồn vốn, quy trình vay vốn như thế nào và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho thanh niên ra sao?

Về vấn đề này anh Nguyễn Đức Đạt - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết: Thanh niên muốn tiếp cận nguồn vốn cho vay học nghề rất đơn giản. Các bạn có thể làm đơn đăng ký được cấp vốn (có mẫu sẵn) và kèm theo giấy đề nghị phương án học nghề và gửi cho ngân hàng. Đối tượng cho vay là HS-SV có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và không phải hộ nghèo nhưng tại thời điểm vay vốn gia đình gặp phải hoàn cảnh khó khăn như nhà có người bị bệnh hiểm nghèo… Chúng tôi niêm yết công khai những thông tin, chính sách, thủ tục vay vốn ngân hàng tại các hội thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh địa phương, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại các địa điểm trên.

Song song với việc tổ chức tư vấn offline cho các bạn trẻ tại hội trường Thành ủy thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), BTC cũng tổ chức giao lưu với các bạn trên Thanh Niên Online. Rất nhiều quan tâm, trăn trở của các bạn trẻ về vấn đề việc làm lập nghiệp đã được gửi về cho BTC thông qua hình thức "online". Một bạn đọc đặt vấn đề: ĐBSCL đặc biệt là Kiên Giang rất nổi tiếng về lúa gạo, thủy sản, du lịch. Vậy các cô, chú có lời khuyên nào về một ngành nghề thích hợp cho thanh niên trong thời gian sắp tới?

Bà Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang cho biết, mạng lưới đạo tạo nghề tại tỉnh Kiên Giang hiện nay đã giải quyết được khá nhiều nhu cầu việc làm cho lao động tại địa bàn tỉnh với một số ngành trọng điểm như chăn nuôi, trồng trọt...

Vừa qua tại tỉnh có đào tạo và giải quyết được 70% lao động nghề nhưng số lượng lao động tại chỗ không nhiều, chủ yếu là đưa lao động ra ngoài tỉnh. Do vậy địa phương phải vận động lực lượng thanh niên học nghề đúng với ngành nghề phù hợp với địa phương mình thì mới hiệu quả hơn, thanh niên phải xác định các ngành nghề phù hợp với đúng những gì mình học.

"Đối với chính sách cho vay đối với học sinh học nghề như thế nào? Nếu như học nghề đã ra trường mà chưa có việc làm thì có được hoản thời hạn trả nợ không?", nhiều bạn thanh niên đã đưa ra câu hỏi cho đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội. Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh học nghề theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ. Mức cho vay để chi phí học tập tối đa 860.000 đồng/tháng. Lãi suất là 0,5%/tháng. Các bạn có thể tham khảo thêm Công văn số 2162A/NHCS-TD ngày 02.10.2007 trên trang web: www.vbsp.org.vn. Trường hợp học viên sau khi ra trường, chưa có việc làm, gia đình khó khăn trong việc trả nợ có thể được xem xét cho hộ vay gia hạn nợ.

"Thanh niên muốn khởi nghiệp ngoài việc được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức Đoàn thể thì cần chuẩn bị thêm các điều kiện gì?". Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội: "Thanh niên muốn khởi nghiệp ngoài việc được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức Đoàn thể thì cần chuẩn bị thêm các điều kiện về con người hiểu sâu rộng về lĩnh vực muốn khởi nghiệp và phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Các bạn trẻ tham dự chương trình giao lưu - Ảnh H.Thắng
Các bạn trẻ tham dự chương trình giao lưu - Ảnh H.Thắng

Tiếp theo chương trình, ông Hà Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm (TT) dạy nghề Kiên Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Ông Huy cho biết: Với kinh nghiệm của công tác dạy nghề những năm qua, TT đã có những trao đổi kinh nghiệm đối với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn và học hỏi công tác dạy nghề từ các tỉnh bạn, từ đó đã tham mưu cho tỉnh đoàn các hình thức đào tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là công tác đào tạo việc làm tại chỗ. Được sự hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thông qua chương trình quốc gia giải quyết việc làm cho thanh niên, TT đã xác định đường hướng dạy nghề cho thanh niên và giải quyết việc làm tại chỗ cho đối tượng này, mỗi năm TT đã đào tạo việc làm cho trên 2.000 thanh niên, bằng nhiều phương pháp và hình thức khác nhau.

Ưu điểm của công tác đào tạo việc làm tại chỗ là việc chuyển giao khoa học, công nghệ cho thanh niên địa phương, đặc biệt là sản xuất các loại giống từ cây con, công tác nhân giống, bên cạnh đó, liên kết với các địa phương lân cận có điều kiện như Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp để phát triển các ngành nghề.

Tuy nhiên, đối với vấn đề định hướng đào tạo trong thời gian qua vẫn còn nhiều trăn trở, làm sao để cán bộ đoàn có thể định hướng cho thanh niên đến với những ngành nghề thiết thực cho nhu cầu xã hội. Riêng tỉnh Kiên Giang hiện đang phát triển ngành nghề du lịch với nhiều hình thức khác nhau, vì vậy, cần phải tập trung đào tạo ngoại ngữ cho thanh niên tại chỗ để phục vụ nhu cầu này. Bên cạnh đó, TT sẽ tham mưu tỉnh đoàn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hỗ trợ TT đào tạo những ngành nghề có khả năng phát triển như hàn, tiện, bào, phay... đây là những ngành nghề đơn giản nhưng nhu cầu lao động rất cao.

Sau phần chia sẻ của Giám đốc Trung tâm dạy nghề tỉnh Kiên Giang, nhà báo Hồng Hạnh - Báo Thanh Niên giới thiệu cận cảnh chân dung anh Nguyễn Nam Vinh, Giám đốc doanh nghiệp Huy Nam, một người cũng từng bước lập nghiệp và thành đạt như hiện nay.

Anh Nguyễn Nam Vinh chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình với các bạn trẻ - ảnh H.Thắng
Anh Nguyễn Nam Vinh chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình với các bạn trẻ - ảnh H.Thắng

Rất cởi mở cùng buổi giao lưu, anh Nguyễn Nam Vinh kể về bài học đầu đời của mình trong việc lập nghiệp đó là vấn đề “lương bổng khi đi thực tập”. Anh Vinh đi thực tập ở một nhà máy chế thủy sản mà lương của những người học đại học như anh lại thấp hơn những người công nhân, điều đơn giản mà anh nhận được từ chủ nhà máy là vì những người đó có kinh nghiệm. Thế nhưng khi nêu thắc mắc với chủ nhà máy, anh Vinh được “dạy” rằng: “Có thể lương bạn thấp trong quá trình đầu tiên nhưng sau này nếu tiếp tục cập nhật kiến thức thì thu nhập sẽ tăng đáng kể so với những người công nhân kia”.

Bài học này được chính anh Vinh kiểm chứng trong thực tế trong quá trình vươn lên để thành đạt như hôm nay. "Việc kiến thức được trau dồi và tích lũy liên tục sẽ là hành trang giúp ích cho các bạn trẻ sau này, có thể cập nhật được những công nghệ mới. Khi lập nghiệp, câu hỏi đầu tiên của các bạn trẻ là đừng bao giờ đòi hỏi thu nhập cao khi chủ doanh nghiệp chưa kiểm chứng được thành quả lao động của mình. Điều đó sẽ được chính các DN công nhận nếu các bạn làm việc tốt, phát huy được hiệu quả công việc của mình", anh Vinh nhấn mạnh.

Sau phần chia sẻ những kinh nghiệm của anh Nguyễn Nam Vinh, không khí trong hội trường "nóng" lên với rất nhiều bạn trẻ đóng góp các ý kiến, các trăn trở, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp.

Tiếp theo chương trình bạn Phan Văn Hệ đưa ra một số thắc mắc về việc tỉnh Kiên Giang đã có những chính sách gì để khuyến khích công tác dạy nghề và học nghề tiếp tục phát triển?

Về vấn đề này, bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có khoảng 900.000 lao động/1,6 triệu dân, trong đó thanh niên học nghề chiếm khoảng 20%, có nghĩa là 180.000 thanh niên học nghề/900.000 lao động là quá ít. Bà Bình khẳng định Kiên Giang rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên. Cụ thể, đối với các khóa đào tạo nghề ngắn hạn (1 - 3 tháng), thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ... khi đăng ký học nghề được miễn phí hoàn toàn. Còn đối với các khóa học dài hạn (3 năm), ngân sách tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/người/năm, sau đó còn hỗ trợ lãi suất cho vay để đi xuất khẩu lao động.

Trước câu hỏi hiện nay đã có một địa chỉ cụ thể nào, tin cậy nhất tại xã để giải đáp nhu cầu của thanh niên? Bà Bình cho rằng đó là một câu hỏi rất hay xuất phát từ nhu cầu thực tế của thanh niên mà hiện nay chính sách của tỉnh vẫn còn chưa rõ ràng. Bà Bình hứa, sau buổi giao lưu này sẽ sớm chỉ đạo để thành lập các Trung tâm lao động, học tập xã phường thị trấn, giúp thanh niên tiếp cận gần nhất với nhu cầu việc làm của thanh niên.

Với những chính sách ưu đãi như trên, bà Bình nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh niên Kiên Giang hiện nay là hiểu được mục đích học nghề là cơ hội giúp cho bản thân và làm giàu cho đất nước.

Theo bạn Tô Hữu Trí, đơn vị huyện đoàn Châu Thành: Vấn đề quan trọng đối với thanh niên là biết được nhu cầu xã hội về lao động việc làm để có được nghề đúng nhưng để biết được nhu cầu xã hội ở từng thời điểm là rất khó. Xin hỏi hiện nay việc dự báo về xu hướng thị trường lao động cho thanh niên sẽ được cập nhật như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Đại diện ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Võ Ngọc Thứ trả lời: Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đã có trung tâm giải quyết việc làm còn về trung tâm dự báo thì dự kiến sẽ tổ chức tại từng địa phương trong thời gian tới. Hiên nay chúng ta chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên danh sách ngành nghề do các trường, trung tâm đề xuất. Do công tác tuyên truyền vận động những năm trước còn hơi ít nên thanh niên chưa biết hết về nhu cầu việc làm ở các tỉnh, địa phương như thế nào. Năm nay Sở phối hợp với các doanh nghiệp, các ngành chức năng đã đưa ra thông báo xuống từng địa phương và dự kiến trong tương lai các thông tin này sẽ được đưa đến từng hộ gia đình.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Sở Giáo dục Đào tạo cũng có kế hoạch phối hợp với các tỉnh đoàn các khu vực tổ chức tư vấn ngay từ đầu năm học. Ngoài ra chúng tôi cũng có kế hoạch liên hệ với ban quản lý các khu công nghiệp để có thể dự báo kịp thời về các ngành nghề đang có nhu cầu về lao động hiện nay.

Bà Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang đang giao lưu với bạn đọc - ảnh H.Thắng
Bà Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang đang giao lưu với bạn đọc - ảnh H.Thắng

Ngay sau phần trả lời của bà Võ Ngọc Thứ, ông Ong Văn Ngay đã có những trao đổi xung quanh các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo của đoàn thanh niên với việc đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên. Ban chỉ đạo đã xây dựng những mô hình như hợp tác xã, sản xuất phát triển kinh tế ở hộ nông thôn... Đến nay, những mô hình này đã  giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm ở nông thôn. Mô hình chuyển giao KH-KT cho đoàn viên thanh niên cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp thanh niên nông thôn phát triển sản xuất hộ gia đình, cá thể.

Trách nhiệm của tổ chức đoàn cơ sở, mỗi cơ sở đoàn phải là trung tâm tư vấn hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên, để phát huy tối đa khả năng của đoàn TN cơ sở.

Hiện nay thông tin về học nghề, việc làm đến cơ sở đoàn còn chưa nhiều. Sắp tới đoàn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ nâng cấp hệ thống internet của tỉnh đoàn để xây dựng một cổng thông tin về nhu cầu việc làm của các tỉnh, đoàn tổ chức giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về thông tin việc làm hiện nay.

Đánh giá rất cao những kiến nghị của các cán bộ Đoàn tâm huyết trong việc lập nghiệp của thanh niên, bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang hứa sẽ xem xét lại đề xuất về mô hình giống của các hợp tác xã để có câu trả lời sớm nhất cho các bạn.

Nói thêm về vấn đề nhu cầu ngành nghề của xã hội hiện nay, bà Bình cho biết, ngoài những ngành nghề bắt buộc của Chính phủ, Kiên Giang còn có thêm khoảng 30 ngành nghề đặc trưng của tỉnh theo từng giai đoạn cụ thể. Từ năm 2010 - 2015, Kiên Giang sẽ tập trung phát triển khoảng 10 ngành nghề như: tiếng Anh, CNTT, xây dựng, khai thác mỏ, khai thác, quản lý tài nguyên môi trường biển… Bà Bình đề nghị quan tâm và lưu ý đến những ngành nghề này để tuyên truyền rộng rãi đến thanh niên.

Nhiều vấn đề về học nghề lập nghiệp đã được các bạn trẻ đặt ra cho các khách mời trong buổi giao lưu ngày hôm nay - Ảnh H.Thắng
Nhiều vấn đề về học nghề lập nghiệp đã được các bạn trẻ đặt ra cho các khách mời trong buổi giao lưu ngày hôm nay - Ảnh H.Thắng

Anh Nguyễn Đức Đạt - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang thông tin thêm về các chương trình hỗ trợ vay vốn. Anh Đạt cho biết ngoài chương trình cho thanh niên vay học nghề và xuất khẩu lao động như đã nêu ở trên, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang còn có nhiều chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, cho hộ sản xuất ở vùng khó khăn vay (tối đa 30 triệu đồng đối với trường hợp không thế chấp và 100 triệu đồng đối với trường hợp có thế chấp), cho vay thương nhân sản xuất đầu tư trực tiếp vào vùng khó khăn (tối đa 500 triệu đồng), cho vay giải quyết việc làm (đối tượng là các hộ cá thể, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại...).

Một bạn thanh niên thắc mắc về lợi ích của thanh niên đã được học nghề và chưa được học nghề khi tham gia doanh nghiệp? Anh Nguyễn Nam Vinh cho biết: Đối với thanh niên đã được đào học nghề, tương lai tại doanh nghiệp luôn ổn định hơn. Doanh nghiệp luôn ưu tiên sử dụng lao động thanh niên đã qua đào tạo nghề, không phải thực hiện việc đào tạo lại. Còn thanh niên chưa được đào tạo chỉ được tuyển dụng khi doanh nghiệp thiếu lao động và sẽ bị đào thải theo nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài quyền lợi trực tiếp về tiền lương, thanh niên có đào tạo, có tay nghề sẽ thêm nhiều cơ hội cùng góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, song hành với sự phát triển của cá nhân.

Sau phần giải thích của anh Nguyễn Nam Vinh, nhà báo Hồng Hạnh - Báo Thanh Niên cho biết thêm, qua khảo sát tại hội trường, rõ ràng nhu cầu tìm hiểu thông tin về việc làm của các bạn thanh niên là vô cùng bức thiết. Nhiều đoàn viên cho rằng, những buổi giao lưu như thế này là rất cần thiết nhưng có lẽ là còn quá ít. Vậy sau những buổi giao lưu như thế, đoàn viên, thanh niên sẽ tiếp cận thông tin về việc làm, học nghề như thế nào vì điều ấy diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống. Nhà báo Hồng Hạnh giới thiệu thêm rằng, hiện nay T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên đều có rất nhiều chương trình để liên tục cập nhật những thông tin cho các bạn. Báo Thanh Niên cũng đang có chương trình tặng phòng máy tính cho các xã vùng xâu, vùng xa, qua các phương tiện này, các bạn thanh niên sẽ có cơ hội truy cập vào các trang web của T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên, hay tỉnh Đoàn Kiên Giang để liên tục cập nhật thông tin về học nghề, lập nghiệp.

Anh Đặng Quốc Toàn, Phó ban Công nhân đô thị T.Ư Đoàn thông tin thêm: Hiện nay các tỉnh thành đoàn đều có các bản tin trong đoàn về việc làm cho thanh niên. Ngoài ra trên các Báo Thanh Niên, Lao Động... đều có chuyên mục về việc làm. Đài phát thanh cũng mở một kênh tư vấn thông tin việc làm cho thanh niên trên sóng VOV1…. Trên đây là một vài địa chỉ đáng tin cậy giúp các bạn có thể tìm hiểu những thông tin cần thiết về việc làm hiện nay.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng lao động hiện nay một bạn thanh niên thắc mắc: “Hiện nay, một số tư nhân sử dụng rất nhiều lao động thanh niên cho những công việc nặng nhưng không được ký kết hợp đồng lao động cụ thể, vậy những lao động như thế này có được hưởng những chế độ về bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội hay không?".

Bà Võ Ngọc Thứ trả lời: Hiện nay có rất nhiều người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động. Những lao động này do thiếu kiến thức hoặc không hiểu biết về luật nên thường chỉ làm thỏa thuận riêng với doanh nghiệp. Điều này rất thiệt thòi cho người lao động bởi họ sẽ bị mất nhiều quyền lợi đáng có như bảo hiểm tai nạn... Ngoài ra mức thu nhập thấp cũng ảnh hưởng nhiều đến chính sách bảo hiểm và quyền lợi của người lao động.

Để giải quyết vấn đề trên bà Thứ cho biết Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn về luật lao động cho người lao động trước khi vào làm việc. Ngoài ra Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có hợp đồng lao động đầy đủ đối với tất cả lao động đang có. Sở cũng đưa ra khuyến cáo các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm hơn đối với người lao động kể cả có hay chưa có hợp đồng lao động.

Một bạn thanh niên đặt câu hỏi, sinh viên các trường nghề khi ra trường nhiều người dù có tay nghề tốt vẫn khó kiếm việc làm là do đâu? Anh Nguyễn Nam Vinh cho biết: Thực tế doanh nghiệp cần những sinh viên có tay nghề phù hợp với doanh nghiệp, phù hợp với thu nhập và chi phí doanh nghiệp bỏ ra. Khi đào tạo các cơ sở đào tạo ít gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề sát với nhu cầu của doanh nghiệp nên sinh viên dù được đào tạo nghề tốt nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên ra trường tuy có tay nghề tốt nhưng rất thiếu thực tế nên đôi khi không vận dụng được các kiến thức đã học vào công việc.

Các kênh thông tin giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn chưa nhiều nên bản thân doanh nghiệp cũng thiếu nhân sự rất nhiều nhưng lại không tuyển được.

Các hỗ trợ khác của xã hội như nhà ở, phương tiện đi lại và tuyên truyền chưa tốt nên các lao động được đào tạo nghề tốt nhưng chưa tiếp cận được với các doanh nghiệp cần lao động và ngược lại. Ngoài ra những doanh nghiệp tuyển được nhưng lại không thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở, thu nhập cho những lao động không phải lao động tại chỗ.

Tiếp theo chương trình, nhà báo Hồng Hạnh - Báo Thanh Niên nêu câu hỏi của các độc giả trên Thanh Niên Online gửi về chương  trình. Bạn Thanh Tùng (27 tuổi, Bình Thuận) hỏi: Thanh niên luôn tiên phong và đi đầu trong mọi việc. Vậy Đoàn có nghĩ đến việc phát triển nghề nghiệp thanh niên vùng này, học hỏi cái hay, rút kinh nghiệm cái dở của vùng khác để tạo ra những lứa thanh niên tay nghề giỏi, hiệu quả cao? Và câu hỏi thứ hai của bạn Mỹ Ngọc: Nếu cho một lựa chọn, anh Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang sẽ học nghề gì để mau giàu và tiến thân? Giữa việc học vấn và học nghề, nếu được chọn, anh sẽ chọn cái nào?

Ông Ong Văn Ngay - Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang đề cao tinh thần học hỏi của thanh niên và đồng ý với ý kiến cho rằng thanh niên nên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong tất cả các hoạt động của cuộc sống, không chỉ trong công tác dạy nghề, học nghề. 

Đối với câu hỏi của bạn Ngọc, anh Ngay cho biết trước khi lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân, anh sẽ chú ý đến 3 yếu tố: thứ nhất là xác định trình độ của mình ở mức độ nào, thứ hai là chọn nghề phù hợp với khả năng và năng khiếu của mình và thứ ba là lựa chọn nghề mang lại thu nhập ổn định. Nếu có điều kiện vào đại học, anh Ngay nghĩ nên theo học để có cơ hội mở mang kiến thức, còn nếu khả năng không cho phép thì anh sẽ chọn học nghề để có cuộc sống ổn định. Chia sẻ của anh Ngay cũng là kinh nghiệm quý báu giúp cho các bạn thanh niên đang phân vân trong việc chọn nghề, học nghề.

Học nghề lập nghiệp luôn là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm hàng đầu - ảnh H.Thắng
Học nghề lập nghiệp luôn là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm hàng đầu - ảnh H.Thắng

Sau chia sẻ riêng tư của ông Ong Văn Ngay, bà Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng dành thời gian trả lời cho hai ý kiến của các bạn đọc Thanh Niên Online. Bạn Minh Sang (32 tuổi, Cần Thơ) nêu câu hỏi rất thú vị: “Kiên Giang đang phát triển đi lên, miền Tây cũng vậy. Nhiều người trẻ đã bỏ quê lên thành phố học tập, tiến thân. Nếu giờ chọn học nghề có phải là một bước lùi cho thanh niên?” Bà Bình khẳng định, với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi cho rằng: “Đó không phải là lùi mà là một bước tiến”. Thực tế Kiên Giang đã có nhiều người tiến thân bằng cách ra đi lập nghiệp. Thế nhưng đó là khi điều kiện xã hội Kiên Giang chưa phát triển, chưa có điều kiện để các bạn làm việc, cống hiến do vậy việc làm việc ở thành phố là rất chính đáng. Còn hiện nay, trong lộ trình đang tiến rất nhanh, Kiên Giang và ĐBSCL đang khai thác tiềm năng của riêng mình. Từ đó, danh mục đào tạo nghề cũng được xây dựng, ban hành rất kịp thời. Do vậy, việc học nghề của các bạn Kiên Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL là quyền lợi cũng như trách nhiệm của tất cả các bạn trẻ. “Không có nghề cao, nghề thấp, nghề giàu, nghề sướng mà chỉ có nghề phù hợp với bản thân, với nhu cầu xã hội và nhu cầu địa phương”. Do vậy không có gì phải ngần ngại việc ở lại địa phương, học những nghề thích hợp để thành đạt.

Còn với tâm sự của bạn đọc Ngọc Tân (43 tuổi, Vĩnh Long): “Nhà nông tụi tôi thường làm ruộng, hoặc trồng cây ăn trái. Học làm sản xuất trồng trọt giỏi phải học vào đại học mà gia đình tôi không có điều kiện. Có một lời khuyên nào dành cho con tôi?”. Lời khuyên mà bà Bình đưa ra là tùy điều kiện của gia đình bạn Tân. Nếu khả năng của gia đình có thể cho con học đại học thì có thể tìm đến chính sách 157 đã được Thủ tướng ban hành về việc hỗ trợ cho vay học đại học. Còn nếu như không thể học được đại học thì vẫn có thể học trung cấp, các ngành trồng trọt, nông nghiệp, hoặc không nữa là học sơ cấp nghề.

Bà Bình kết luận: "Tôi và các bạn ngồi đây là một kênh truyền thông cho các bạn trẻ Kiên Giang. Cá nhân tôi và UBND Tỉnh đã yên tâm hơn khi ngồi ở đây để được nghe những nhu cầu của các bạn, để điều chỉnh, đúc kết lại trong các chính sách về việc triển khai vấn đề học nghề lập nghiệp của các bạn thanh niên. Bà Bình cũng đề xuất sẽ có một kênh truyền thông sâu nhất, tâm huyết nhất cho các bạn thanh niên. T.Ư Đoàn cần có một chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt đến các Tỉnh, thành Đoàn để biết được số lượng của học nghề của các bạn thanh niên ở mỗi tỉnh, thành, từ đó có những gắn kết với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cùng UBND các tỉnh thành thực hiện công việc này một cách hiệu quả nhất.

Để kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, anh Đặng Quốc Toàn đã giới thiệu đến thanh niên tại Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung về những bước phát triển của việc tư vấn, giới thiệu, và định hướng, đào tạo việc làm cho thanh niên của ban chỉ đạo đoàn thanh niên trên cả nước. Từ đó, cố gắng phát triển đến năm 2015, trên tất cả các địa phương đều có trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên và mạng lưới tư vấn, giới thiệu việc làm này sẽ đến gần hơn với nhu cầu thiết thực về việc làm của thanh niên, bên cạnh đó tỷ lệ vay vốn dành cho thanh niên sẽ ngày càng tăng, và đến năm 2010, Đoàn sẽ mở các lớp tập huấn và tham gia tư vấn cho tất cả các bí thư xã đoàn.

Thông tin và giải đáp thắc mắc của các thanh niên về vấn đề việc làm sẽ được chuyển tải trên bản tin học nghề, lập nghiệp được phát hành hàng tháng với số lượng gần 15.000 bản, trên cổng thông tin Thánh Gióng và trên chương trình sóng phát thanh VOV1 - Đài tiếng nói Việt Nam vào lúc 20 giờ 35 thứ hai và thứ năm hằng tuần.

Nhóm PV Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.