Thách thức an ninh năng lượng: Dầu sinh học

24/11/2009 23:44 GMT+7

Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương khuyến khích sản xuất, tiêu thụ dầu sinh học và một số địa phương đã đạt những thành quả đầu tiên.

Dầu lai

Cây dầu lai (còn gọi cây dầu mè, cọc rào) mọc hoang tại nhiều địa phương trong cả nước. Hạt cây dầu lai dùng để chiết xuất ra dầu diesel sinh học. Một ha cây khi đã cho trái có thể thu hoạch 1.500 - 2.500 lít dầu diesel sinh học trong một năm.

Ông Tôn Thất Thiện Bảo, Phó TGĐ Công ty cổ phần Năng Lượng Xanh Việt Nam (GEV), đơn vị đang triển khai dự án 30.000 ha dầu lai tại 7 tỉnh miền Trung cho biết: “Điều kiện khí hậu tự nhiên ở Việt Nam rất thích hợp cho cây dầu lai phát triển. Dầu lai dễ trồng, có thể phát triển tốt trên các vùng đồi trọc, vùng đất đang bị sa mạc hóa”.

Trịnh Minh Tú (phải) bên phuy thành phẩm dầu sinh học mới ra lò - ảnh: T.Phong

GEV đã hợp tác với nông dân các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị trồng 2.000 ha cây dầu lai. Theo ông Trần Kim Hùng (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận): “Trước đây vùng đất khô cằn này hầu như bỏ hoang, không có khả năng sản xuất nông nghiệp do thiếu nước và bị bạc màu. Khi GEV làm hợp đồng đầu tư, hỗ trợ trọn gói và bao tiêu sản phẩm, gia đình tôi mạnh dạn xuống giống gần 3 ha cây dầu lai”. Ông Hùng cho biết dầu lai dễ trồng và không cần phải chăm sóc như các loại cây khác; không lo gia súc phá hoại và người dân trong vùng chặt phá làm củi vì cây mọng nước, có mùi hôi khó chịu. Khi cây được 2 năm tuổi thì bắt đầu cho trái. Theo ông Thiện Bảo, 1 ha dầu lai có thể đạt năng suất từ 5 - 8 tấn/ha, sau chế biến thu được 1.500 - 2.500 lít dầu diesel/năm; thu nhập bình quân hằng năm cho nông dân từ 6,5 - 10 triệu đồng/ha.

Dầu từ mỡ cá

Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú (P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ), kể trong một lần tìm tòi trên internet, anh tìm được tài liệu chế biến dầu thực vật, mỡ động vật thành dầu sinh học. Khi đó, phong trào nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL đang phát triển rất mạnh, quá trình chế biến cá đã loại bỏ một lượng mỡ cá rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Thế là Tú quyết thành lập một dây chuyền chế biến mỡ cá thành dầu sinh học.

Đầu năm 2009, Tú đưa nhà máy sản xuất dầu sinh học từ mỡ cá công suất 50.000 lít/ngày vào hoạt động, vốn đầu tư hơn 12 tỉ đồng. Khó khăn là hiện Nhà nước chưa công bố quy chuẩn về chất lượng, tỷ lệ pha chế... khi cung cấp dầu sinh học ra thị trường, nên nhà máy của Tú chỉ sản xuất khoảng 1/2 công suất thiết kế. “Hồi tháng 6.2009, chúng tôi đã xuất sang Singapore 23.000 lít dầu sinh học đầu tiên. Hiện có rất nhiều đối tác nước ngoài muốn nhập dầu sinh học của công ty với số lượng lớn”, Tú nói. Một khó khăn khác là nguồn nguyên liệu. Năm 2009, dự kiến tổng sản lượng cá tra toàn vùng khoảng 1 triệu tấn, theo đó, lượng mỡ cá thu được trong quá trình chế biến xuất khẩu ước khoảng 150.000 tấn. Tuy nhiên, một lượng lớn mỡ cá bị xuất thô theo đường tiểu ngạch khiến nguồn nguyên liệu trong nước giảm sút, giá liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất.

“Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước sớm ban hành quy chuẩn cho dầu sinh học, ưu đãi về thuế, tín dụng và đặc biệt là hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây lấy dầu như: cây dầu mè, đu đủ dầu, dừa sáp... Nếu được vậy, tôi tin chắc ngành sản xuất dầu sinh học ở ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa” - Tú nói. 

Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nguyên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, quy định: Ưu tiên về vốn và sử dụng đất đai để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2007 - 2015, đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học được xếp vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là nhiên liệu sinh học, hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm.

Trường Phong - Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.