Đây là liên hoan phim (LHP) Nhật Bản tại VN, nằm trong hoạt động của năm giao lưu Nhật Bản-Mê Kông 2009.
LHP Nhật Bản tại TP.HCM kéo dài từ 25.11 đến 29.11 tại Trung tâm chiếu phim Thăng Long (19 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM). Khán giả sẽ được thưởng thức 5 bộ phim tiêu biểu của Nhật Bản là: Mãi mãi (Always-Sunset on Third Street, đạo diễn Yamazaki Takashi, sản xuất năm 2005), Thức tỉnh (Awaking, đạo diễn Sakamoto Junji, sản xuất năm 2006), Dora-Heita (đạo diễn Ichikawa Kon, sản xuất năm 2000), Nỗi niềm của Etsuko Kamiya (The Blossoming of Etsuko Kamiya, đạo diễn Kuroki Kazuo, sản xuất năm 2006), Tháp Tokyo – Tôi, mẹ và đôi lúc bố! (Tokyo Tower - Mom & Me, and Sometimes Dad, đạo diễn Matsuoka Joji, sản xuất năm 2007). Đây cũng là một dịp để khán giả TP.HCM hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người Nhật.
Mãi mãi dựa trên truyện ngắn của Saigan Ryohei với các diễn viên chính: Yoshioka Hidetaka, Tsutsumi Shinichi, Koyuki, Horikita Maki, xoay quanh câu chuyện về phố người lao động ở Tokyo, nơi tập trung những người di cư từ những vùng quê lên thủ đô phồn hoa tìm sự đổi đời vào năm 1958. Đây là giai đoạn Nhật Bản bắt đầu bước vào sự tăng trưởng thần kỳ làm thay đổi cuộc sống của mỗi người dân. Trong sự hỗn tạp của cuộc sống lúc ấy, tình người là ánh sáng duy nhất kéo con người lại với nhau. Ở đó có anh văn sĩ lỗi thời, cô tiếp viên quán rượu xinh đẹp, cậu bé nhút nhát nhưng có biệt tài viết văn và gia đình của Norifumi phúc hậu. Tài năng, tình yêu và lòng vị tha của mỗi thân phận chỉ thể hiện rõ khi cuộc sống bắt họ phải chiến đấu, phải lựa chọn.
Lịch chiếu phim: |
|
Thức tỉnh dựa trên tiểu thuyết của Kirino Natsuo với các diễn viên chính Fubuki Jun, Tanaka Tetsushi, Tokiwa Takako, Mita Yoshiko…, xoay quanh câu chuyện về niềm tin và tình yêu trong gia đình. Ba năm sau khi về hưu, Sekiguchi Takaguchi đột ngột mất sau một cơn đau tim. Vợ của ông là Toshiko đã phát hiện mình bị chồng lừa dối trong 10 năm qua. Chồng bà ngoại tình với một người phụ nữ tên là Ito và họ đã cùng nhau xây dựng một cửa hàng mì sofa có tiếng ở Tokyo. Đau khổ và thất vọng, bà đâm ra nghi ngờ lòng hiếu thảo của con trai và tự lao mình vào cuộc tình với người đàn ông đã có gia đình lại là một người bạn của chồng...
Dựa trên vở kịch của Matsuda Masataka, bộ phim Nỗi niềm của Etsuko Kamiya là một câu chuyện đẹp về những rung động đầu đời và tình yêu trong chiến tranh. Năm 1945, Kamiya Etsuko - cô thiếu nữ xinh đẹp đang sống cùng gia đình người anh trai tại Kagoshima, bắt đầu có cảm tình với chàng lính hải quân Akashi. Nhưng Akashi lại là người đưa Etsuko đến với Nagayo, anh lính bộ binh là bạn thân của mình, bởi vì Akashi dự đoán được tương lai của mình sẽ ra sao khi tình nguyện tham gia chiến đấu. Bộ phim một lần nữa khiến người xem xúc động bởi tình bạn, tình yêu và sự hy sinh trong chiến tranh.
Dora-Heita câu chuyện về một vị quan đặc biệt với một chủ nghĩa anh hùng hoàn toàn khác so với sự tưởng tượng của người thường. Đó là một vị quan bí ẩn với nhiều tai tiếng nhưng vẫn đảm bảo cho dân chúng vùng đất Horisoto một cuộc sống an lành, no ấm. Một samurai đi ngược lại với đạo đức chính thống nhưng lại là một anh hùng sợ mỹ nhân…
Trong khi đó, bộ phim Tháp Tokyo – Tôi, mẹ và đôi lúc bố! giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của gia đình. Cuộc đời của cậu bé Masaya thay đổi khi bố mẹ ly hôn. Từ đó sống trong cảnh thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, Masaya gần như sa ngã. Tuy nhiên, chính những ký ức tốt đẹp ngày xưa đã níu chân anh lại. Anh đã viết sách, làm phát thanh viên, lập gia đình và đón mẹ lên Tokyo để sống cùng. Sự trưởng thành của Masaya cũng chính là hạnh phúc của mẹ anh, cho dù thời gian chung sống với gia đình tại Tokyo kéo dài không bao lâu. Sau khi mẹ mất, Masaya mới hiểu được rằng hạnh phúc với anh và mẹ chính là hơi ấm gia đình.
Ngọc Bi
Bình luận (0)