Ông Hải nói: "Đằng sau vụ án này là cái gì thì tôi không nói, tôi chỉ phân tích về khía cạnh pháp lý của vụ án". Thứ nhất là về tội danh "lập quỹ trái phép", ông Hải cho rằng, đã lâu lắm rồi từ khi bước sang kinh tế thị trường hầu như không còn xét xử tội danh này. "Bởi lẽ, kinh tế thị trường gắn với tự chủ về tài chính, các doanh nghiệp được tự chủ về tài chính, tiền của người ta, họ sử dụng như thế nào, cho vào quỹ nào là việc của doanh nghiệp, của người đứng đầu doanh nghiệp quyết định. Khi xem xét vụ án với tội danh này, tôi cho là các cơ quan tố tụng đã không đứng trên quan điểm là chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường", ông Hải phân tích .
Thứ hai, xem xét lịch sử vấn đề, kể từ khi cha bà Trần Ngọc Sương là Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng lập Nông trường Sông Hậu, đã tồn tại quỹ này và nó tồn tại đến hôm nay, không một ai kêu ca gì. Đặc biệt quỹ đó không phải lấy từ ngân sách mà trích từ hoạt động làm thêm của xã viên, của người lao động, họ tự giác trích ra một phần lập quỹ để tiếp khách, thưởng cho người có thành tích, con em người lao động... tức là làm việc có ích, phục vụ lợi ích chung. "Do vậy bản thân bà Sương không có hành vi tổ chức lập quỹ trái phép như cáo buộc", ông Hải kết luận.
Ngoài ra, theo ông Hải, điều 25 Bộ luật Hình sự quy định rằng, khi có sự thay đổi về tình hình, khiến hành vi vi phạm và người vi phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự. "Trong trường hợp này, như đã phân tích bà Sương không phải là người có hành vi làm trái, không phải là người gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí bà ấy là Anh hùng lao động, đạt rất nhiều thành tích với nhiều danh hiệu được phong, vậy có cần truy tố bà ấy không?", ông Hải đặt câu hỏi.
"Một vụ án phải hướng tới 2 mục đích: xử lý bản thân người vi phạm và có tác dụng giáo dục, răn đe, để làm bài học cho xã hội. Nhưng thực sự việc đưa bà Sương ra xét xử thì ngay từ giai đoạn điều tra cho đến giờ đã gây những ý kiến trái chiều đối với cơ quan tư pháp từ công luận và người dân", ông Hải nói. Theo ông Hải, “Với tình huống pháp lý này, tôi cho rằng Viện KSND tối cao hoặc TAND tối cao nên kháng nghị Giám đốc thẩm để đình chỉ vụ án".
An Nguyên
Bình luận (0)