Khó thở là triệu chứng thường gặp nhất ở các trường hợp bệnh lý tim, phổi. Triệu chứng này hoàn toàn chủ quan và hay thay đổi. Có nhiều phương pháp để chẩn đoán khó thở, từ phương pháp đơn giản và không tốn kém đến các thử nghiệm tinh vi và phức tạp hơn.
Rối loạn chức năng tim, phổi
Các rối loạn chức năng tim, phổi thường kèm theo khó thở. Tất cả những bệnh lý của nhu mô phổi và đường thở đều có thể gây khó thở, gồm bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn (COPD), hen suyễn, các bệnh thâm nhiễm và xơ hóa phổi, những bệnh của hệ mạch máu phổi (thuyên tắc phổi).
Ngoại trừ hen suyễn, đa số các tình trạng này lúc đầu chỉ gây khó thở khi gắng sức nhiều. Với diễn tiến của bệnh, khó thở xuất hiện khi ít gắng sức hơn và sau cùng biểu hiện ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Hen suyễn là biệt lệ quan trọng nhất, đặc trưng bởi các cơn khó thở xuất hiện theo từng giai đoạn, không nhất thiết phải liên quan đến gắng sức.
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân nổi bật gây khó thở. Trong nhiều trường hợp, bệnh nền khá rõ rệt như trong phù phổi hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng thiếu máu cơ tim do bệnh lý mạch vành có thể biểu hiện bằng những đợt khó thở gián đoạn không kèm theo đau ngực.
Lo âu, căng thẳng cũng gây khó thở Khó thở do căn nguyên tâm lý là thể khó thở đặc biệt vì thường là một chẩn đoán loại trừ, thường gặp ở lứa tuổi 30-40, nữ nhiều hơn nam. Cần nghĩ đến tình trạng này khi các kết quả khám lâm sàng, X-quang phổi, điện tim và phế dung ký đều bình thường. Các bệnh nhân khó thở do căn nguyên tâm lý thường biểu lộ sự lo âu căng thẳng cùng các triệu chứng tăng thông khí và than phiền về thị giác, chóng mặt, ngất xỉu, tê, châm chích quanh miệng và các ngón tay. Khó thở do căn nguyên tâm lý được điều trị tốt bằng tư vấn và phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback) mặc dù thầy thuốc thường có xu hướng dùng các thuốc giải lo âu. |
Trong đó, suy tim mạn là một nguyên nhân phức tạp gây khó thở, do các than phiền của người bệnh thường chậm kết thúc ngay cả sau khi đã được điều trị tương đối đầy đủ. Trong những trường hợp này, người thầy thuốc cần đánh giá lại hiệu quả điều trị và tìm thêm những nguyên nhân khác như thiếu máu hoặc nhồi máu phổi.
Khó thở thở dài thường xuất hiện ở những người trung niên có bệnh tim hoặc phổi nhẹ. Bệnh nhân than phiền không thể hít thở sâu lúc nghỉ ngơi nên thường cố gắng thở dài từng hồi. Tình trạng này thường không đi kèm với lo âu hay các triệu chứng tăng thông khí. Khí máu động mạch bình thường trong đa số trường hợp khó thở thở dài.
Khó thở thở dài thường đáp ứng với sự trấn an của thầy thuốc, các biện pháp hỗ trợ không đặc hiệu cùng việc điều trị các bệnh nền.
Bệnh ở nhiều cơ quan
Bệnh lý thần kinh cơ là nguyên nhân gây khó thở đã được biết rõ. Các bệnh nhân bị Guillain-Barré, nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ hoặc loạn dưỡng cơ xuất hiện muộn có thể đến khám vì khó thở. Thiếu máu cũng là nguyên nhân nổi bật gây khó thở khi nồng độ hemoglobin xuống thấp.
Nếu hemoglobin tiếp tục hạ thấp, khó thở sẽ càng trở nên rõ rệt, đặc biệt trong tình trạng thiếu máu cấp. Nhiều cơ chế bù trừ sẽ khiến cảm giác khó thở của bệnh nhân thiếu máu mạn bớt rõ ràng hơn. Còn bệnh lý ở thận dẫn đến khó thở do toan chuyển hóa, thiếu máu và quá tải thể tích.
Những bệnh nhân bệnh gan mạn tính thường than khó thở, tuy nhiên cơ chế chưa được hiểu rõ. Các rối loạn về nội tiết, đặc biệt cường giáp, có thể kết hợp với khó thở liên quan đến tình trạng tăng chuyển hóa do tăng quá mức hoạt động của tuyến giáp. Trong giai đoạn muộn, khó thở có thể đi kèm với suy tim cung lượng cao.
Còn nhiễm khuẩn huyết giai đoạn sớm thường kết hợp với tăng thông khí và đôi khi khó thở. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố bao gồm nhiễm toan, thiếu máu mô và do tác động trực tiếp của nhiều chất trung gian lên trung tâm hô hấp ở thân não và các thể cảm thụ ở động mạch cảnh.
Xét nghiệm thường quy chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở bao gồm hô hấp ký, X-quang tim phổi, ECG và công thức máu. Nếu vẫn chưa có chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm chức năng gan, thận, siêu âm tim, MSCT lồng ngực. Nếu khó thở đi kèm với mệt, đôi khi cần thực hiện thử nghiệm gắng sức để phân biệt giữa thiếu máu cơ tim với hen suyễn, bệnh mạch máu phổi với suy nhược thể lực.
Theo Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh / NLĐ
Bình luận (0)