Những lỗ hổng văn hóa giao thông

27/11/2009 23:41 GMT+7

Hội thảo khoa học “giải pháp xây dựng văn hóa giao thông trong đô thị” do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức vào đầu tuần qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, tâm lý học, nhà quản lý cùng người dân thành phố. Trước đó, Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh tình trạng xuống cấp trầm trọng của văn hóa giao thông tại đô thị lớn nhất nước.

Bức tranh toàn cảnh "văn hóa giao thông" xin thôi không nhắc đến, vì ai cũng dễ dàng nhìn thấy hằng ngày. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến những lỗ hổng trong quản lý giao thông, để nhà chức trách có biện pháp khắc phục sớm, tạo nếp sống văn minh đô thị cũng như sự an tâm cho người dân mỗi khi ra đường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân "văn hóa giao thông" kém đều bắt nguồn từ sự yếu kém của hạ tầng giao thông (đường sá, đèn tín hiệu, phương tiện hỗ trợ kiểm soát giao thông…, chưa nói đến "lô cốt" đầy rẫy trên đường), thái độ và cách hành xử chưa đúng mực của người thi hành công vụ… Tiến sĩ Phạm Đức Trọng, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết qua khảo sát 100 sinh viên, thì có tới 60% trả lời không hiểu biết gì về Luật Giao thông đường bộ dù tất cả đều có giấy phép lái xe. "Các em thú nhận việc trang bị bằng lái xe chủ yếu là để đối phó với CSGT. Trách nhiệm này thuộc về nhà quản lý!", ông Trọng khẳng định.

Theo một số đại biểu, tình trạng kẹt xe và ứng xử văn hóa trong thực hiện giao thông hiện nay còn do thiếu một tầm nhìn dự báo. Nhận định này được tiến sĩ Hồ Bá Thâm chứng minh bằng thực tế là hơn 10-15 năm trước, việc lưu thông xe trên mặt đường thành phố còn tương đối thoáng. Khi đó tình trạng lộn xộn, chen lấn, xe băng lên vỉa hè không xảy ra… Nay đường hẹp, xe nhiều, nghẽn tắc thì lộn xộn, bất định, tự phát… và như thế thì không thể có "văn hóa giao thông" được. Do vậy, trong chiến lược phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị ở TP.HCM, theo tiến sĩ Thâm, phải dồn sức đầu tư giải bài toán quy hoạch, phát triển giao thông, nhất là trên phương diện quản lý - quản trị đô thị, "nếu không sẽ phản phát triển và hết sức nguy hiểm, trở thành nỗi ám ảnh chết người đáng sợ".

Mặt khác, để khắc phục những lỗ hổng về "văn hóa giao thông" đang xuống cấp như hiện nay, nhà tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng phải tác động từ gốc, đưa chương trình "văn hóa giao thông" vào trường học. "Làm được điều này, cần có những chương trình tuyên truyền sâu rộng, giáo dục một cách hiệu quả có đón đầu, điều chỉnh hành vi bằng những nội quy, chế tài nghiêm minh, thấu tình đạt lý. Mặt khác, cần một đội ngũ chuyên xây dựng "văn hóa giao thông" thực sự có văn hóa", ông Sơn nói.  Đồng tình với quan điểm trên, thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM, cũng nhìn nhận trách nhiệm của ngành trong việc đưa giáo dục "văn hóa giao thông" vào học đường, cụ thể là ngay từ cấp tiểu học.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.