Đến với Festival lúa gạo VN

28/11/2009 14:47 GMT+7

(TNO) Hôm nay 28.11, hàng vạn khách tham quan đã đổ về thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) để hòa mình vào không khí của Festival Lúa gạo đầu tiên ở Việt Nam (từ ngày 27.11 - 2.12), làm cho không khí lễ hội trở nên náo nhiệt trước giờ khai mạc.

Theo thống kê của ban tổ chức, đến ngày 27.11 đã có 50 cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước (6 bộ ngành, 26 tỉnh thành phố, 9 cơ quan lãnh sự...) và trên 300 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia với trên 700 gian hàng các loại.

Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Lễ khai mạc, bế mạc nhằm giới thiệu giá trị nghệ thuật đặc trưng của miền sông nước Cửu Long gắn với văn minh lúa nước và bản sắc văn hóa dân tộc; bốn cuộc hội thảo cũng sẽ diễn ra như: Xúc tiến đầu tư, Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập, Kênh xáng Xà No - con đường lúa gạo miền Hậu Giang và Cây lúa nước Việt Nam.

Tôn vinh vẻ đẹp của cây lúa Việt Nam

Một sân khấu nước hoành tráng, ấn tượng có tổng diện tích khoảng 1.500m2, trong đó không gian biểu diễn khoảng 1.000m2, đủ sức chứa 500 nghệ sĩ, diễn viên và khán đài với sức chứa khoảng 8.000 người là dấu ấn cho lễ khai mạc Festival vào tối nay.

Các tiết mục của đêm khai mạc là sự xâu chuỗi thể hiện cả một “quá trình từ huyền sử u Lạc, tái hiện lễ hạ điền; đến việc ca ngợi vẻ đẹp của cây lúa Việt Nam qua hình ảnh những cánh đồng xanh mướt và vàng mượt; hình ảnh giã gạo và kết thúc bằng hình ảnh hạt ngọc Việt đang bay cao, bay xa", ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Hậu Giang, tổng đạo diễn chương trình cho biết.

 
Hậu Giang đón chào du khách - Ảnh: Nàng Hương

Chất liệu âm nhạc cho toàn chương trình được hứa hẹn là sự hài hòa giữa dân ca, tài tử cải lương, nhạc nhẹ và cả thính phòng. Các nghệ sĩ tham gia chương trình ngoài lực lượng của Hậu Giang, còn có nghệ sĩ của Cần Thơ và một số ca sĩ, nghệ sĩ của TP.HCM. Bên cạnh đó là sự góp mặt của Đoàn ca múa Thăng Long đến từ Thủ đô Hà Nội.

Điểm nhấn của chương trình là hoạt cảnh cải lương Miền nhớ do những nghệ sĩ tên tuổi thể hiện. Tiết mục này khái quát toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của hạt gạo gắn với đời sống của người nông dân từ thuở khai hoang đến những năm tháng đấu tranh giành độc lập và xây dựng cuộc sống hôm nay.

Trả lời báo chí, ông Tuấn nói, ý tưởng của mình không chỉ khẳng định một lần nữa nét đẹp của cây lúa Việt Nam và sự phát triển của Hậu Giang mà qua những tác phẩm nghệ thuật, qua các phóng sự, video clip, một lần nữa khẳng định việc tổ chức Festival Lúa gạo mang tầm vóc quốc tế là một cố gắng đáng ghi nhận của Hậu Giang và hy vọng dịp này sẽ là cầu nối cho những sáng kiến, ước mơ cho cây lúa vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế.

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật miệt vườn

Mọi người đến với Festival Lúa gạo Việt Nam 2009 tại Hậu Giang không chỉ để xem hai chương trình khai mạc và bế mạc, mà trong khuôn khổ lễ hội còn có hàng loạt hoạt động văn hóa, thương mại khác.

 
Hạt lúa được tôn vinh - Ảnh: Nàng Hương

Giải đua ghe ngo Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I - Hậu Giang năm 2009 sẽ khai mạc lúc 7 giờ 30 sáng 29.11 trên kênh xáng Xà No (thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Cuộc đua có sự tranh tài của 18 đội với 1.260 vận động viên tham gia, gồm: Hậu Giang (6 đội), Kiên Giang (2 đội), Cần Thơ (1 đội), Sóc Trăng (2 đội), Bạc Liêu (2 đội), Cà Mau (1 đội), Vĩnh Long (2 đội), Trà Vinh (2 đội).

Trong lễ khai mạc hội đua ghe ngo còn có chương trình biểu diễn văn nghệ của Đội văn nghệ Khmer Long Mỹ, một số tiết mục Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Hậu Giang.

Đây là hoạt động thể thao truyền thống của người dân ĐBSCL nhằm tạo sinh khí vui tươi chào mừng festival lúa gạo, tạo mối quan hệ đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh và trong khu vực; giao lưu, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hậu Giang, tạo điều kiện cho các đội thi đấu, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho huấn luyện viên, vận động viên; phát động và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Liên hoan Đờn ca Tài tử Nam Bộ khai mạc lúc 20 giờ tối 27.11 kéo dài đến 19 tối 30.11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang. Liên hoan có sự góp mặt của các câu lạc bộ đờn ca tài tử đến từ 15 tỉnh, thành phố. Đây là dịp các nghệ nhân đờn, ca tài tử đang sinh hoạt tại khắp các tỉnh Nam Bộ có dịp gặp gỡ, trổ tài, so kè những ngón nghề của mình góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù của Nam Bộ.

Hơn 100 món ăn của cả ba miền Bắc, Trung, Nam tạo nên một "bản đồ" ẩm thực Việt Nam là điều ban tổ chức đem đến trong Lễ hội ẩm thực khai mạc lúc 15 giờ 30 hôm nay (28.11). Phần lớn các món ăn được chế biến từ gạo, nếp như: các loại bún, bánh dầy, bánh chưng, phở, bánh cuốn, các loại cháo. Thức uống cũng đa dạng, phong phú như: các loại chè, trà vối, trà xanh, bánh kẹo... Người dân còn được phục vụ miễn phí nhiều loại hình văn hóa - văn nghệ như đờn ca tài tử, cải lương, tiếng rao dân gian và ca nhạc ngay trong lúc thưởng thức những món ăn đặc sắc của ba miền.

 
Chợ nổi là hoạt động thu hút lượng lớn khách tham gia - Ảnh: Nàng Hương

Song song với các hoạt động văn nghệ, một đặc trưng thương mại vùng sông nước Cửu Long cũng được tái hiện. Chợ nổi Phụng Hiệp còn gọi là chợ Ngã Bảy, chợ nổi lớn nhất ĐBSCL. Đây là nơi hội tụ của 7 nhánh sông mang những cái tên mộc mạc như: Cái Côn, Bún Tàu, Xẻo Mơn, Xẻo Vong... Tại khu chợ nổi, hoạt động mua bán trên xuồng, ghe với các mặt hàng nông sản khá tấp nập và sầm uất. 

Festival lúa gạo lần thứ nhất tại Hậu Giang năm 2009 đã tái hiện chợ nổi trên sông với quy mô 40 ghe hàng hoạt động với các loại hàng hóa như bánh, kẹo, cây giống, hoa kiểng, hàng nông sản ngay từ ngày 26.11 kết hợp với chương trình đờn ca tài tử trên sông.

Cuộc thi Duyên dáng áo bà ba (19 giờ, ngày 29.11) là dịp để khách tham gia lễ hội ngắm nhìn những tà áo bà ba thướt tha, dịu dàng tạo nên nét duyên của người phụ nữ Nam Bộ và sự biến đổi của chiếc áo này qua từng thời kỳ. Cuộc thi có ba phần: khởi thủy, hiện nay - cách điệu và phát thảo ý tưởng tương lai cho chiếc áo bà ba miệt vườn.

Bên cạnh đó, Đoàn Lân - Sư - Rồng TP.HCM cũng sẽ biểu diễn nhiều tiết mục phục vụ khách tham dự lễ hội suốt tuyến đường Trần Hưng Đạo (Hậu Giang).

Nguyên Mi (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.