Làng nuôi cá xác xơ
Hiện nay tại những vùng nuôi cá tra nguyên liệu tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... đâu đâu cũng thấy cảnh ao hầm nuôi cá bị “treo”, làng xóm buồn hiu, vắng lặng. Từ chỗ “nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá”, ao hầm tăm tắp nối đuôi nhau nay chỉ còn rải rác những ao nuôi đơn lẻ.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cho biết: “Cá tra nguyên liệu hiện được các DN thu mua với giá khoảng 14.800 - 15.200 đồng/kg. Trong khi chi phí đầu tư cho 1 kg cá thịt loại I trước đây khoảng 15.000 - 15.500 đồng, người nuôi lỗ từ 200 - 700 đồng/kg. Còn với giá thức ăn tăng như hiện nay thì lỗ khoảng 1.000 đồng/kg”. Cũng theo ông Bình, tỉnh An Giang hiện còn khoảng 1.000 ha nuôi cá tra thương phẩm, trong khi có đến 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Do vậy, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nhà máy đã ngưng hoạt động vì khan hiếm cá tra nguyên liệu.
Tại Đồng Tháp, từ nay đến cuối năm ước chỉ còn khoảng 40.000 tấn cá tra nguyên liệu; trong khi mỗi ngày các nhà máy chế biến của tỉnh cần hơn 2.000 tấn cá nguyên liệu. “Tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu từ nay đến cuối năm càng trở nên trầm trọng hơn” - ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp xác nhận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tỉnh An Giang có hơn 200 ha ao hầm bị treo. “Giá thức ăn liên tục tăng khiến nông dân không dám mạnh dạn đầu tư nuôi lại nên diện tích nuôi sụt giảm mạnh. Mặc dù giá cá tra nguyên liệu có tăng nhưng giá thức ăn cũng tăng khiến người nuôi không có lãi. Mỗi kg cá tra thương phẩm nông dân phải lời từ 2.000 đồng trở lên (tương đương 20%) thì mới đảm bảo cho họ đầu tư”.
Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cũng xác nhận có 71 hộ nuôi cá tra trong tỉnh nghỉ nuôi với hơn 200 ha nên càng làm cho tình hình khan hiếm cá tra nguyên liệu ở tình này thêm trầm trọng.
Chỉ hoạt động 50% công suất
Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, gần nửa tháng nay, lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản sụt giảm trầm trọng. Trong khi tình hình xuất khẩu tôm trong năm 2009 thuận lợi hơn so với năm trước, các DN ký kết được nhiều hợp đồng, đặc biệt là xuất khẩu sang nhiều thị trường mới, tiềm năng.
Ông Quách Văn Đua, Giám đốc Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Giá Rai (H.Giá Rai, Bạc Liêu), cho biết hiện lượng tôm sú trong khu vực còn rất ít, chủ yếu tôm nuôi quảng canh, sản lượng rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy. Còn theo lời ông Tạ Minh Phú, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu, hiện trên địa bàn tỉnh có 15 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 50.000 tấn/năm. Tất cả các nhà máy đều gặp khó khăn, chỉ hoạt động cầm chừng, có nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, một số nhà máy đã phải cho công nhân nghỉ luân phiên. Ông Phú dự báo tình trạng thiếu tôm nguyên liệu sẽ còn kéo dài.
Theo ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nguồn tôm nguyên liệu trong khu vực ĐBSCL bị khan hiếm trầm trọng là do vụ nuôi tôm năm 2009 đã kết thúc, phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp chuẩn bị chuyển sang vụ nuôi tôm mới (năm 2010). Hiện các tỉnh còn một số diện tích nuôi tôm quảng canh ven biển, nhưng sản lượng tôm thu được không đáng kể. Trong khi đó, số diện tích nuôi tôm vụ 2 hiện tôm nuôi còn rất nhỏ và thiệt hại tương đối nhiều. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng đã có gần 5.000 ha tôm nuôi vụ 2, tập trung nhiều ở huyện Mỹ Xuyên. Đáng lo ngại là có đến 1.700 ha bị thiệt hại, trong đó không ít nông dân thả giống được một tháng nhưng kiểm tra dưới ao không thấy con tôm nào. |
Trần Thanh Phong - Thanh Quốc
Bình luận (0)