Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế của nước ngoài cũng như trong nước đều có chung nhận định, các nhóm giải pháp kích cầu mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng đã phát huy tác dụng. Một chuyên gia quả quyết: “Chính phủ đã phản ứng một cách nhanh chóng và kịp thời. Tất cả các chính sách được đưa ra đều cho thấy Chính phủ đã đi đúng hướng”. So với tình hình chung thì mức tăng trưởng 5,2% của năm 2009 là khả quan, cao so với khu vực.
Gần đây, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới chính sách tiền tệ, tài chính của Việt Nam, nhất là khi cuối tháng 11.2009 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố những điều chỉnh mới về nâng lãi suất cơ bản lên 8%/năm bắt đầu từ ngày 1.12.2009 và áp dụng biên độ tỷ giá mới +/- 3% cho giao dịch mua bán giao ngay giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam. Ngoài việc nâng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên 8%/năm, NHNN cũng tăng lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm lên 8%/năm, tăng lãi suất chiết khấu từ 5%/năm lên 6%/năm.
Ông Tony Shale, Tổng giám đốc Tập đoàn Euromoney Institutional Investor khu vực châu Á, người điều hành phiên thảo luận nhóm về nội dung Triển vọng kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi cho các chuyên gia: “Các ông có nhận xét như thế nào đối với những chính sách tiền tệ mà NHNN Việt Nam vừa đưa ra?”. Các diễn giả đều cho rằng, đó là một chính sách quyết đoán và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia mạnh
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết để khôi phục được đà tăng trưởng kinh tế cao thì Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, con đường khôi phục để đạt được tốc độ tăng trưởng cao còn nhiều cam go.
Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào một số nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ. Vì thế sự phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của các thị trường này. Nhưng tốc độ phục hồi của các thị trường này hiện diễn ra chậm chạp.
Ngoài ra, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, ông Nam còn nhấn mạnh tới việc Chính phủ phải cân đối và giải quyết được bài toán giữa tăng trưởng và thâm hụt thương mại, chính sách tiền tệ và lạm phát.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lại đưa ra một cái nhìn khác về sự lo ngại. Trong khi nhiều người lo lắng về tình trạng nhập siêu của nền kinh tế thì ông Ayumi Konishin lập luận, muốn biến khủng hoảng thành cơ hội thì các nhà sản xuất phải đầu tư để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất. Nhập máy móc, thiết bị thì cần phải có tiền nên nhập siêu để phục vụ cho đổi mới công nghệ, máy móc thì không đáng lo ngại.
“Điều tôi quan ngại nhất là sự khác biệt trong nhận thức về thị trường và sự kỳ vọng của dân chúng”, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi nhấn mạnh.
Ông Ayumi Konishi cho rằng, người dân có thể xem mức tăng trưởng 5,2% là không cao, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của họ. “Nhưng thực tế, trong tình hình hiện nay thì mức tăng đó là tuyệt vời, Chính phủ phải đẩy mạnh tuyên truyền và giải thích để người dân biết được điều này”, ông Ayumi Konishi nói.
Ông Tony Shale, Tổng giám đốc Tập đoàn Euromoney Institutional Investor khu vực châu Á đặt câu hỏi: “So với các nước trong khu vực, cơ hội đầu tư vào Việt Nam có gì hơn?”. Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi nhưng ông Ayumi Konishi nhấn mạnh: “Quy mô nền kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển vô cùng lớn, Việt Nam có lợi thế về dân số. Trong trung hạn thì Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để trở thành một quốc gia mạnh”.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: “Cam kết sử dụng các chính sách dựa vào thị trường, tiếp tục cải cách và đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thành công tại Việt Nam. Tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn”.
Cụ thể hóa những cam kết này, Bộ trưởng Ninh cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là triển khai đồng bộ các chính sách để có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Xuân Toàn
Bình luận (0)