Gấp 10 lần khủng hoảng kinh tế
Bản báo cáo ra ngày 23.11, Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết nếu tình trạng nóng dần lên của hành tinh xanh không được cải thiện, hiện tượng băng tan nhanh tại các vùng cực và miền núi sẽ khiến mực nước biển dâng cao, đến năm 2050 có thể gây ngập lụt tại 136 thành phố nằm ven biển trên toàn thế giới. Các thành phố cảng ven biển lại thường giữ vai trò kinh tế quan trọng đối với quốc gia. Vì thế hiện tượng này, cùng với sự leo thang cả về số lượng lẫn chất lượng của thiên tai hằng năm, có thể sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 28.000 tỷ USD, xấp xỉ 10 kỳ khủng hoảng kinh tế!
Hội các chuyên gia về khí hậu quốc tế GIEC cũng cho biết tình trạng băng tan tại đảo Greenland đã tăng nhanh hơn 30% kể từ năm 1979, và đến năm 2100, nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng từ 2- 7oC và mực nước biển có thể dâng lên hơn 1m, thậm chí 2m. Việc khí thải CO2 tăng lên 40% trong giai đoạn 1990-2008 càng khiến mục tiêu cố định mức tăng nhiệt độ thấp hơn 2°C trở nên vô cùng khó khăn.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nicholas Stern, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), nếu ngay từ bây giờ, các nước có những hành động nhằm đối phó với biến đổi khí hậu thì sẽ tốn khoảng 1% GDP của thế giới. Ngược lại, nếu nhân loại "án binh bất động", những thiệt hại từ khủng hoảng môi trường sẽ lên đến 20% GDP của toàn nhân loại.
Châu Á bị ảnh Hưởng nặng nề
Trong một bản báo cáo khác, WWF đã phân tích và đánh giá sự "mong manh" của 11 thành phố ở châu Á trước những nguy cơ từ việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo WWF, châu Á sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những thay đổi của môi trường. Đa phần các thành phố lớn của khu vực này nằm gần biển, thuộc khu vực duyên hải hoặc tọa lạc tại những đồng bằng châu thổ của các con sông lớn.
3 tiêu chí chính để đánh giá là mức độ thiệt hại từ những hậu quả của biến đổi khí hậu; tầm ảnh hưởng kinh tế-xã hội (của thành phố đó đối với quốc gia); khả năng thích ứng với những thay đổi. Với thang điểm trung bình trên 10, Dhaka (Bangladesh) là thành phố còn nhiều nguy cơ bị thiệt hại từ cuộc khủng hoảng môi trường nhất (9/10), xếp sau là Manilla và Jakarta (8/10), TP.HCM và Thượng Hải đứng thứ 6 (6/10).
WWF hy vọng bản đánh giá này sẽ giúp các quốc gia châu Á trở nên "nhạy cảm" hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời thu hút được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính và kỹ thuật. Các quốc gia châu Á phải trở thành nhân tố chính trong mọi nỗ lực nghiên cứu và hành động nhằm hạn chế hiện tượng Trái đất nóng dần lên.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)