Điều chỉnh chính sách kích thích kinh tế

01/12/2009 23:55 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra vào cuối chiều qua 1.12.

Chấm dứt hỗ trợ lãi suất

Trong phiên họp thường kỳ trước đây (tháng 10), Chính phủ đã công bố gói kích thích kinh tế thứ hai, trong đó có quyết định kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất đến ngày 31.3.2010 (có điều chỉnh về mức hỗ trợ từ 4% xuống còn 2%) đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 131 Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lần này Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong phiên họp ngày 1.12, Chính phủ đã quyết định chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 vào đúng ngày 31.12.2009”.

Theo Bộ trưởng Phúc, Chính phủ tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định 443/QĐ-TTg đối với các khoản vay trung và dài hạn và Quyết định 497/QĐ-TTg đối với khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp... nhưng có điều chỉnh, bổ sung về mức hỗ trợ, đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với thực tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được bảo lãnh để phát triển những dự án tốt.

Bộ trưởng Phúc cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 131 không có ảnh hưởng tới tâm lý các doanh nghiệp. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến bổ sung: “Đây là biện pháp phù hợp với chính sách điều hành về tỷ giá để ổn định thị trường và tăng cạnh tranh cho các doanh nghiệp”. Theo ông Tiến, đến hết năm 2009 thì tổng dư nợ của khoản cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 sẽ vào khoảng 400 nghìn tỉ đồng, nếu kéo dài chính sách này đến ngày 31.3.2010 thì dư nợ cho vay thêm khoảng 70 nghìn tỉ.

Liệu các chính sách trên có được tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới hay không? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đây là nền kinh tế thị trường, nếu thế giới có biến động lớn thì chúng ta có những quyết định mới phù hợp nhưng nói chung là cố gắng để ổn định”.

Sức mua tăng mạnh

Trong phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định, kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2009 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn so với tháng trước, ước tăng 13% so với tháng 11.2008. Sức tiêu dùng trong nước đã phục hồi đáng kể trong tháng 11, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tăng 5,1% so với tháng trước.

Tháng 11 đã đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay của ngành dịch vụ. Ngay cả khi đã loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ của 11 tháng đã tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008. Một chỉ số khác cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đang tiếp tục tăng lên là trong 11 tháng qua, có khoảng 76.500 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng trên 28% so với cùng kỳ.

Về chỉ số giá cả tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cam kết: “CPI cả năm 2009 chỉ ở khoảng trên dưới 6%, đạt được mục tiêu mà QH cho phép là dưới 7%”. Còn Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Quản lý được khối lượng tiền để tránh áp lực về lạm phát. Các chính sách về thương mại cũng sẽ được thực hiện cùng với tiền tệ để kìm chế lạm phát và giữ được giá trị đồng tiền”.

Đưa sàn vàng vào khuôn khổ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành tỷ giá phù hợp với thế giới và trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương... cần có hàng rào kỹ thuật nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế trong vấn đề nhập khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ chức năng kiểm tra việc có tình trạng đầu cơ chứng khoán hay không để xem xét, xử lý và báo cáo Chính phủ; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xử lý đóng cửa ngay một số sàn giao dịch vàng không có giấy phép kinh doanh; đảm bảo nguyên tắc kinh doanh vàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện.

Ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời Thủ tướng nói: “Chính phủ lưu ý cần phải quản lý hoạt động kinh doanh ngoại tệ tốt hơn. Các tập đoàn, các tổng công ty không được ghìm ngoại tệ mà phải bán hết ngoại tệ không sử dụng cho Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bán lại ngoại tệ cho các tập đoàn và tổng công ty”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.