Béo và rạn da

02/12/2009 09:46 GMT+7

Trong số bệnh nhân béo phì tôi thấy nhiều chàng trai, cô gái cứ béo phì độ 2 trở lên (BMI từ 30-34,9) đều có những vết rạn trên da.

Mối liên hệ giữa bệnh béo phì và chứng rạn da

Da của chúng ta giống như anh bảo vệ phủ khắp cơ thể. Chúng có độ đàn hồi của cao su thiên nhiên nên sẽ giãn ra, co lại dễ dàng, áp sát vào cơ. Nếu bạn nặng 70kg thì khối lượng da toàn thân có thể cân được 5kg. Mỗi nơi da dày, mỏng khác nhau. Mỏng nhất là mí mắt chỉ 1mm, dày nhất ở lòng bàn chân chừng 4mm. Tùy theo mức độ lao động mà da tay có thể dày, mỏng khác nhau.

Trở lại vấn đề rạn da. Lớp dưới cùng của da được gọi là hạ bì. Chúng có những sợi collagen và elastin khiến da của chúng ta có khả năng chun giãn. Nếu lượng mỡ quá nhiều thì các sợi collagen và elastin bị kéo căng tối đa khiến chúng bị đứt, bị rạn và mất khả năng đàn hồi. Đó là rạn da.

Rạn da có phải là bệnh?

Với các chị mang thai, rạn da do bào thai lớn dần lên kéo căng các sợi collagen và elastin thì đó là rạn da sinh lý. Tuy nhiên có trường hợp do quá trình tổng hợp sợi collagen bị rối loạn đa số nằm trong “hội chứng chuyển hóa” cũng gây rạn da.

Bệnh nhân béo phì mà trong gia đình (cha, mẹ, ông bà) bị tiểu đường thường rạn da xuất hiện sớm và diện rộng hơn. Đàn ông hút thuốc lá từ 10 điếu trở lên/ngày kèm theo béo phì thì 1.500 chất độc trong thuốc lá sẽ làm nhão các sợi collagen và elastin rất nhanh khiến các anh bị rạn da từ khi béo phì độ 1(BMI=25-29,9). Rạn da còn liên quan đến những người lạm dụng thuốc loại corticoid, chúng sẽ làm mỏng phần thượng bì và làm tính đàn hồi của da kém đi nên dễ gây vết rạn.

Viện Dinh dưỡng quốc gia khảo sát và thấy có 33% trẻ độ tuổi 15 bị thừa cân, béo phì. Khảo sát trên 757 học sinh từ 9-11 tuổi tại bốn trường tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM có trường tỉ lệ thừa cân, béo phì tới 41,1%. Cũng theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành là 16,8%!

Điều trị béo phì

Mọi người đều biết hai nguyên nhân cơ bản làm béo phì là dinh dưỡng dư thừa và ít vận động, nhưng khi điều trị thường chờ đợi ở những viên thuốc. Tôi thường nói: “Không có viên thuốc nào vào cơ thể để “dọn dẹp” mỡ giùm các bạn. Nỗ lực cá nhân vẫn là chủ yếu”. Có ba vấn đề cơ bản là:

- Giảm năng lượng đầu vào bằng cách ăn ít dầu mỡ, bột đường. Tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt.

- Tăng thải năng lượng bằng tập luyện.

- Dùng các tác nhân hỗ trợ giảm mỡ.

Trong ba vấn đề trên thì tác nhân giảm mỡ chỉ mang tính hỗ trợ. Nếu coi nó là tác nhân chính thì sau khi chữa trị (đến cân nặng lý tưởng), bạn ngưng, béo phì sẽ quay trở lại với bạn nhanh chóng.

Da của nữ mỏng hơn nên phụ nữ béo phì dễ bị rạn da hơn nam giới. Ngoài ra cũng có sự tham gia của hormon giới tính. Con gái dậy thì sự tăng trưởng quá nhanh, cha mẹ bồi dưỡng tích cực, các tế bào mỡ đăng ký thường trú ở ngực, mông, bụng nên sinh ra vết rạn.

Rạn da xuất hiện ở đâu?

Phụ nữ mang thai các vết rạn thường xuất hiện chủ yếu ở bụng, lan chút ít xuống đùi nếu chị nào tăng cân nhiều. Các bạn trẻ béo phì vết rạn da ở đùi và ở vùng thắt lưng (đối với nam) và ở bụng, đùi, mông và ngực (đối với nữ). Ngoài ra rạn da cũng xảy ra ở một số vùng khác như mặt ngoài cánh tay, có bạn còn xuất hiện cả ở vùng đùi sát đầu gối.

Lúc đầu vết rạn có màu hồng tím, chúng thường tạo ra những đường song song dài 2-6cm, bề ngang khoảng 1cm, có khi nhỏ hơn, tùy mức độ béo. Theo thời gian vết rạn sẽ nhạt màu dần và cuối cùng là trắng bóng như xà cừ. Về mặt mô học nếu cắt da vùng rạn soi dưới kính hiển vi chúng ta sẽ nhìn thấy các sợi collagen bị giãn tối đa, còn các sợi elastin bị phá vỡ, co rút lại, những đoạn bị phá vỡ tạo ra những vằn sọc.

Nếu giảm cân thì các vết rạn có mất đi?

Câu trả lời là “không”. Nếu bạn giảm cân thì da chùng xuống, chúng đã mất khả năng đàn hồi giống cao su nên việc phục hồi các sợi collagen và elastin quả là khó khăn. Một số chị có bụng hình trái lê, khi ăn kiêng, tập thể dục, bụng xẹp xuống lại còn tốn thêm mấy chục triệu đồng cắt bớt da thừa, làm lại lỗ rốn nhưng vết rạn thì vẫn còn nguyên như những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc.

Làm sao chữa được?

Rạn da chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nó gây bấn loạn tâm lý đặc biệt với những cô gái trẻ. Bà con mình có kinh nghiệm dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu mè) bôi trên vết rạn. Dầu thường chứa vitamin A hòa tan nên thấm sâu vào và “dưỡng”, tất nhiên là phải kiên nhẫn nhưng cũng chỉ làm mờ chứ không trị tận gốc được. Có bạn ra tiệm thuốc kiếm kem Tretinoin, bôi ngày 2-3 lần trên vùng da bị rạn. Các thẩm mỹ viện vừa cho bạn dùng thuốc, kem bôi da, vừa sử dụng laser Affirm sóng kép, tốn kém nhưng xóa sổ vết rạn hoàn toàn cũng không. Nghe những chữ “siêu mài mòn” nhiều chị tưởng bở nhưng vụ này không thể giống…mài dao bởi tổn thương nằm tít sâu ở phần hạ bì, chữ “siêu” không đồng nghĩa với chữ “sâu”, càng không phải là một cuộc tái tạo.

Cuối cùng đừng để béo phì là biện pháp hay nhất. Còn các chị có thai thấy da bụng rạn cũng đừng vội vã bởi các loại kem bôi trên da đều chứa vitamin A, chúng thấm vào da, chạy vô máu lại gây bất lợi cho thai nhi. Chờ sau khi sinh con hãy làm mờ rạn là hợp lý.

Theo TS.BS Lê Thúy Tươi / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.