Làng B’Yang ở phía Đông tỉnh Gia Lai, thuộc thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, được giới nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá là nơi còn lưu giữ nhiều nhất, nguyên vẹn nhất những phong tục đặc trưng của dân tộc Bahnar, đặc biệt là tục táng người chết. Làng B’Yang chỉ cách trung tâm thị trấn Kông Chro khoảng 4 km nhưng có “sức đề kháng” mạnh mẽ khiến cơn lốc đô thị hóa hầu như chưa thể chạm đến nơi này.
Theo hầu người chết
Bên dòng sông Ba yên ả mà người địa phương vẫn quen gọi là sông Đăk Kroong, mái nhà rông của người Bahnar dòng Bờ Nơm ở làng B’Yang vút lên trời sừng sững như một lưỡi rìu khổng lồ. Gần 1.000 người dân trong làng cư trú trong hơn 100 nhà sàn theo mô hình “làng tròn” vây quanh nhà rông này. “Nhà rông là tâm điểm của buôn làng Bahnar” - ông Đinh Keo, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận huyện Kông Chro - người có uy tín nhất làng B’Yang, khẳng định.
Nghe chúng tôi hỏi về tục táng của người Bahnar, ông Đinh Keo cho biết: “Theo phong tục, không kể giàu, nghèo, khi có người chết, người sống phải làm tượng để trang trí nhà mồ. Đây là điều bắt buộc để thể hiện lòng hiếu đễ, tình cảm tiếc thương của người sống đối với người đã khuất.
Nhà mồ của một người Bahnar giàu có ở làng B’Yang |
Tượng đi theo người chết thường được tạc đẽo theo ý thích, nghề nghiệp của người đó khi còn sống và nhất định là phải theo cặp âm - dương. Người Bahnar dòng Bờ Nơm quan niệm tượng được tạo ra là để theo hầu người chết và nhất thiết phải đi theo cặp. Kể cả người chết là kẻ suốt đời độc thân thì khi chết, tượng đi theo cũng phải đẽo thành cặp”.
Ông Đinh Keo dẫn chúng tôi tới một gốc cây cổ thụ trong làng B’Yang, nơi trưng bày những tượng nhà mồ đã được tạc đẽo sẵn. Xung quanh gốc cây này, chúng tôi thấy hàng chục tượng nhà mồ mới được đẽo gọt, tuy chưa trang trí nhưng trông vẫn rất có hồn và sống động.
Những pho tượng này được dựng quay mặt ra ngoài, đủ cả các con vật, như: chó, mèo, chim công, chim cú, khỉ bồng con...; hoặc con người, như: mẹ bồng con, bà già ôm mặt rầu rĩ... Theo ông Đinh Keo, tất cả những tượng này đều được tạc đẽo bằng rìu và nhiều người dân làng B’Yang có khả năng tạc được tượng nhà mồ như vậy.
Đủ cung bậc thân phận
Theo chân anh Đinh Êu, một người cháu của ông Đinh Keo, chúng tôi vượt sông Đăk Kroong đến nghĩa địa nhà mồ của làng B’Yang. Nhìn từ xa, nghĩa địa như một ngôi làng Bahnar thu nhỏ. Những nóc nhà mồ có hình mái nhà rông được trang trí bằng những cây k’lao sặc sỡ vút lên giữa rừng xanh. Phía trước những nhà mồ trong nghĩa địa làng B’Yang luôn có một giếng nước và gáo dừa tượng trưng.
Nhà mồ của ông Đinh Gliu, nguyên trưởng Ban Văn hóa thị trấn Kông Chro, nổi bật trong nghĩa địa làng B’Yang bởi vẻ đồ sộ, sang trọng. Trên diện tích khoảng 20 m2, nhà mồ của ông Đinh Gliu được xây dựng kỳ công như một nhà rông thu nhỏ.
Tượng nhà mồ được tạc đẽo sẵn |
Bốn cột chính được trang trí bằng 4 cặp tượng ngà voi tượng trưng và 2 cây k’lao cao ngất ngưởng. Mặt trước và mặt sau nhà mồ được gắn 2 cặp tượng nam nữ sơn phết đủ màu trông như thật. Trong khuôn viên ngôi mộ có cả những cây lúa đã trổ bông, giá để củi và góc chia của cho người chết. “Riêng phần mái nhà rông và 2 cặp tượng nam nữ ở nhà mồ của ông Đinh Gliu đã tốn gần chục triệu đồng” - anh Đinh Êu tiết lộ.
“Hàng xóm” của ông Đinh Gliu là nhà mồ của một phụ nữ nhưng cũng hoành tráng không kém. Phía trước nhà mồ là bức tượng mẹ cõng con; trong góc còn có dàn khung cửi dệt thổ cẩm, đầu trâu và cả một giá để hàng trăm thanh củi được xếp ngăn nắp. “Dân Bahnar tin rằng người chết cũng cần củi lửa để sưởi ấm. Trong những thứ vật phẩm cúng cơm hằng ngày trên mộ trước lễ “bỏ mả”, nhất thiết phải có củi, lửa và nước” - anh Đinh Êu cho biết.
Tiếp giáp phía sau những nhà mồ “quý tộc” hoành tráng ở mặt tiền nghĩa địa là hàng loạt nhà mồ khác của người nghèo. Những nhà mồ này có mái lợp tôn hoặc cỏ tranh, thấp bé và bị dây leo, cỏ tranh phủ kín. Những bức tượng trong nhà mồ của người nghèo cũng có cặp, có đôi nhưng hầu hết đều là các con vật, như: trâu, bò, khỉ, chó...
Anh Đinh Êu giải thích: “Nhà mồ chỉ được làm sau lễ “bỏ mả”. Với người giàu, có thể “bỏ mả” sau mùa lúa mới đầu tiên tính từ ngày chết nhưng với người nghèo, có khi phải đến mấy năm sau. Mỗi lần “bỏ mả” phải mổ trâu, bò, tốn kém lắm, nhà nghèo thì chịu thôi! Tượng nhà mồ dành cho người nghèo cũng chỉ là những con vật gắn liền với cuộc sống nương rẫy”.
Tìm mua tượng nhà mồ Đến Kông Chro, chúng tôi nghe phong thanh gần đây nhiều tay chơi đã tìm đến vùng này tìm mua tượng nhà mồ. Chúng tôi bỗng nhớ đến những cái lắc đầu ngao ngán của ông Đinh Keo khi dẫn chúng tôi xem tượng nhà mồ được tạc đẽo sẵn trưng bày xung quanh gốc cây cổ thụ ở làng B’Yang. Tuy Đinh Keo không nói ra nhưng chúng tôi thầm hiểu ông trăn trở vì trong những bức tượng này, không ít cái được tạc đẽo để bán chứ không phải để trang trí nhà mồ của người chết như phong tục lâu nay của người dân Bahnar. |
Theo Sơn Tùng / NLĐ
Bình luận (0)