Vì sao nhà tuyển dụng chọn họ?

03/12/2009 14:26 GMT+7

Thể hiện sự tự tin qua các cuộc phỏng vấn đã giúp nhiều ứng viên tìm được việc làm như ý.

Tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngành quản trị văn phòng Trường ĐH Sài Gòn, Nguyễn Thị Loan ứng tuyển vào vị trí chỉnh lý tài liệu của Trung tâm Dịch vụ xây dựng thuộc Sở Xây dựng TPHCM.

Sáng phỏng vấn, chiều làm

Sau một lúc giới thiệu về nhau, vị quản lý hỏi Loan: “Em nghĩ sao khi ghi vào hồ sơ là đơn tìm việc mà không là đơn xin việc?”. Không đắn đo, Loan trả lời: “Em nghĩ doanh nghiệp cần người và em có khả năng đáp ứng công việc, nghĩa là chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau nên không thể dùng từ xin - cho trong hoàn cảnh này. Với từ “tìm việc”, em cũng sẽ không bị áp lực hay cản trở nào khi phỏng vấn”. Vị quản lý liền hỏi tiếp: “Liệu em có thể làm tốt công việc khi mà em chưa có kinh nghiệm?”. Loan trả lời: “Em tốt nghiệp quản trị văn phòng, lại có chuyên môn về lưu trữ nên công việc chỉnh lý tài liệu rất phù hợp. Tuy không có kinh nghiệm nhưng nếu trung tâm cho em cơ hội thử sức, em sẽ làm tốt công việc được giao”.

Với phần trả lời đầy tự tin, chiều hôm ấy, Loan được trung tâm mời đến nhận việc với mức lương thử việc 2 triệu đồng/tháng. Loan cho biết: “Không ngờ, tôi đã thành công ở lần tìm việc đầu tiên khi tìm được việc làm mà nhiều bạn học cùng khóa mơ ước. Tôi nghĩ nhà tuyển dụng đánh giá cao sự tự tin của tôi”.

Không ngại việc trái ngành

Khi tuyển chọn nhân viên, các nhà tuyển dụng đều dựa trên các yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc. Trong 3 yếu tố đó, thái độ là điều kiện quyết định để nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên. Bởi kiến thức, kỹ năng có thể đào tạo được nhưng thái độ không thành thật, làm việc thiếu trung thực sẽ khó gắn bó được với doanh nghiệp.

(Chuyên gia tư vấn Trần Hữu Đức)

Còn với Khâu Thị Ngọc Thảo, lần dự tuyển vào công ty chuyên kinh doanh mực in đóng tại quận 3-TPHCM cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Khi ấy, công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân viên hành chính văn phòng để quản lý sổ sách, lưu trữ hồ sơ. Thảo kể: “Ngày dự tuyển, sau khi làm bài trắc nghiệm kiến thức, tôi được công ty chọn tham dự vòng phỏng vấn với vị trưởng phòng hành chính nhân sự. Khi tôi đang trình bày thì vị trưởng phòng có điện thoại gọi đến. Đó là một người quen có nhu cầu đặt mua mực in.

Khi trao đổi với khách xong, vị quản lý quay sang hỏi Thảo: “Em có thể trở thành nhân viên kinh doanh hay không?”. Rất khó xử vì mình đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng, lại chưa biết gì về lĩnh vực kinh doanh nhưng Thảo trả lời: “Đã đi làm thì mỗi công việc đều cho ta kiến thức mới. Biết đâu, làm kinh doanh cho em học hỏi được nhiều điều. Em nghĩ với kiến thức kế toán mà em được học cộng với thực tế làm kinh doanh sẽ cho em kinh nghiệm”. Chỉ vài hôm sau, Thảo được công ty mời đến nhận việc với vị trí nhân viên kinh doanh kiêm trợ lý văn phòng. Đúng như Thảo dự đoán, những tháng ngày làm kinh doanh đã cho cô nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm mà nếu như chỉ chăm bẵm ngồi ở vị trí văn phòng, cô không thể nào có được.

Đánh giá cao sự thành thật

Cách đây một tuần, Võ Quốc Tuấn ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng của Công ty Việt Đông Á, chuyên về lĩnh vực đầu tư tài chính đóng tại quận 1-TPHCM. Sau bài thi trắc nghiệm kiến thức, Tuấn được chọn vào vòng phỏng vấn với người chủ công ty đến từ Hồng Kông. Thế nhưng với khả năng Anh ngữ còn hạn chế, Tuấn biết mình không thể vượt qua vòng này khi trực tiếp trao đổi với người nước ngoài. Vì vậy, trước cuộc phỏng vấn, Tuấn nói với vị lãnh đạo công ty: “Xin lỗi vì khả năng Anh ngữ của tôi còn hạn chế. Nhưng nếu có cơ hội làm việc tại đây, tôi hứa sẽ khắc phục trong vòng 6 tháng”.

Không ngờ, sau vòng phỏng vấn ấy, Tuấn tiếp tục được chọn vào vòng 3. Tuấn cho biết: “Tuy chưa biết kết quả chính xác nhưng sự thành thật của tôi đã được người chủ chấp nhận và không hề đánh giá thấp về mình”.

Theo Huỳnh Nga/ NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.