Nơi tập trung "công thần"
Trong các sách y học, phần viết về ruột thừa thường khá ngắn gọn, chỉ bao gồm định nghĩa, miêu tả vị trí, hình dạng và hình ảnh minh họa. Danh mục này luôn được gắn một cách hiển nhiên với bệnh viêm ruột thừa cấp tính, căn bệnh khá phổ biến, chữa trị bằng phẫu thuật không phức tạp nhưng có thể gây tử vong nếu để chậm trễ. Richard Darwin cũng xem ruột thừa như một "tàn tích" còn sót lại của quá trình tiến hóa ở loài người.
Tóm lại, từ trước tới nay ruột thừa được xem là tồn tại chỉ để chờ dịp… quấy nhiễu khổ chủ, không ít người chẳng ngần ngại chịu vài nhát dao kéo trong phòng mổ, cắt trước đi cho "nhẹ lòng". Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của 2 nhà khoa học William Parker và Randal Bollinger thuộc trường Đại học Duke (North Carolina, Hoa Kỳ) cho thấy ruột thừa có vai trò rất quan trọng trong hệ tiêu hóa.
Hơn 10 năm qua, nhóm nghiên cứu của 2 ông chuyên tìm hiểu về lớp màng vi khuẩn có ích trong hệ thống ống tiêu hóa. Các vi khuẩn này sống cộng sinh với con người và đóng vai trò thiết yếu trong sự tiêu hóa (giúp lên men thức ăn, tổng hợp vitamin). William Parker cho biết ông đã cùng với các cộng sự quan sát và ghi nhận lại sự tập trung rất đông đúc của vi khuẩn có ích tại ruột thừa và càng xa khu vực này, mật độ của chúng càng giảm.
Như vậy, ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có ích cho tiêu hóa. Đặc biệt, trong trường hợp tiêu chảy nặng, hệ tiêu hóa bị "thất thoát" một lượng lớn vi khuẩn có ích, sự "chi viện" từ ruột thừa là vô cùng cần thiết để lập lại trật tự, tránh việc các vi khuẩn gây hại lợi dụng xâm nhập. Vai trò của ruột thừa vì thế sẽ rõ nét hơn tại các nước đang phát triển, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là nước uống, kém hơn so với Tây phương.
Nguồn gốc xa xưa
Những kết luận của nhóm Parker-Bollinger càng thuyết phục khi đi đúng chiều hướng của những khám phá gần đây về tầm quan trọng của vi khuẩn có ích đối với sự tiêu hóa và sức khỏe con người. Các nhà khoa học ước tính trong "hệ sinh thái" đường ruột của chúng ta có hàng trăm ngàn tỉ vi khuẩn (với tổng khối lượng khoảng 1,5kg) đang chung sống hòa bình! Các vi khuẩn này tập trung suốt chiều dọc của ống tiêu hóa và tạo nên lớp màng sinh học, bảo vệ ruột khỏi những tác nhân gây hại.
Một báo cáo khác của nhóm Parker-Bollinger về quá trình tiến hóa của các loài chỉ ra rằng ruột thừa đã có mặt, dưới những dạng khác nhau, ở nhiều loài động vật hữu nhũ (đặc biệt là loài ăn cỏ) từ hơn 80 triệu năm qua. Nghiên cứu này nhằm nhấn mạnh rằng, nếu ruột thừa có thể trường tồn đến thế mà không bị quy luật tiến hóa loại thải thì chắc chắn bộ phận này phải mang một tầm quan trọng nhất định. (Nguồn: Đại học Duke và Le Figaro)
Triệu chứng viêm ruột thừa BS. Hồ Hữu Lộc Cẩn thận vẫn hơn! |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)