Hiện nay có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về da không đến khám bệnh viện hay các cơ sở y tế, hoặc chỉ đến khám trong thời gian ngắn, lại không theo dõi tái khám định kỳ. Sau đó họ tự “thất vọng” khi bệnh không hết hoặc cho rằng uống thuốc tây quá nóng nên đã đến các thầy lang cắt lể hay nghe lời dân gian đắp lá cây, hạt đậu, lên vùng da đã bị tổn thương, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Bệnh không những không hết mà lại còn nặng hơn đôi khi ảnh hưởng đến sinh mạng nếu bệnh nhân có sức đề kháng yếu hay ở trẻ nhỏ.
Từ kích ứng đến dị ứng
Việc tự điều trị bệnh da có thể gây nhiều tổn thương. Trong đó, tổn thương tại chỗ nếu nhẹ thì là viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng; nặng thì gây viêm quầng, viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng hoại tử mô mềm, thậm chí là nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong cao ở các bệnh nhân giảm sức đề kháng (người già có nhiều bệnh nội khoa, nhất là tiểu đường, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ,...).
Khi vết thương nhiễm trùng do người bệnh tự đắp thuốc thì việc điều trị là nghỉ ngơi, bất động, kê cao chân (nếu bị tổn thương ở chân), uống thuốc giảm đau, kháng sinh. Trong trường hợp nặng, có thể phẫu thuật, cắt lọc mô hoại tử. |
Thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc kích ứng, dạng này dễ gây tổn thương tế bào nếu bệnh nhân tự ý bôi thuốc đủ nồng độ và thời gian trên da và thường khu trú tại nơi tiếp xúc. Các chất này gây hư hại khả năng bảo vệ của da và gây đáp ứng viêm trên da. Trong đợt cấp tính, tại nơi tổn thương nóng rát, châm chích, đau đớn. Một số trường hợp thì triệu chứng không xuất hiện ngay mà sẽ xuất hiện sau 8-24 giờ với triệu chứng nóng rát nổi bật.
Sang thương là những đốm đỏ, sau đó phồng nước, bể ra tạo thành vết trợt và đóng mày, bong vảy; sang thương không tiến triển xa ra nơi khác mà chỉ khu trú tại nơi tiếp xúc, diễn tiến nhiều ngày, nhiều tuần. Trong đợt mãn tính thì tổn thương khô, nứt nẻ, tăng sừng, tróc vảy, diễn tiến nhiều tháng, nhiều năm.
Còn viêm da tiếp xúc dị ứng là một dạng tổn thương nặng hơn, không chỉ khu trú tại nơi tiếp xúc mà còn lan ra nơi khác, xảy ra sau ít nhất 48 giờ tiếp xúc với dị nguyên. Bệnh nhân thấy ngứa dữ dội, châm chích, đau đớn, trường hợp nặng có kèm sốt. Sang thương trong đợt cấp là sẩn đỏ sưng phù, sau đó phồng nước có thể có mủ, bể ra đóng mày. Còn sang thương bán cấp có đốm đỏ có vảy khô nhỏ hợp lại thành sẩn cứng. Dạng viêm da dị ứng tiếp xúc mãn tính nổi bật là dày sừng, bong vảy, nứt nẻ.
Dễ gây nhiễm trùng nặng
Tự điều trị bệnh da trong những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn ở bệnh nhân sẽ xuất hiện viêm quầng, viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng hoại tử mô mềm ngay tại nơi tiếp xúc và lan rộng đến các mô lân cận. Nguyên nhân là do mô tiếp xúc bị bội nhiễm vi trùng Staphylococcus aureus; Streptococce tan huyết nhóm A, B; Hemophilus Influenza... Biểu hiện là bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sốt lạnh run, tiến triển nhanh trước khi viêm mô tế bào thể hiện rõ.
Khi viêm mô tế bào xuất hiện, tại nơi tổn thương sưng đau, nhiễm trùng hoại tử. Sang thương là mảng phù sưng nóng đỏ đau, sau đó phồng nước, bể ra tạo thành vết trợt, đôi khi là abcess, xuất huyết, hoại tử đi kèm với viêm hạch bạch huyết. Các hạch vùng trong cơ thể cũng sưng to và đau.
Nhiễm trùng mô mềm hoại tử là viêm mô tế bào cũng dễ xuất hiện sau 36 - 72 giờ xuất hiện tím, phồng nước lúc đầu vàng, sau đó chuyển sang đỏ tím do xuất huyết, bóng nước bể ra gây hoại tử. Vùng hoại tử tương tự như phỏng độ, nên việc điều trị sau đó phải cắt lọc mô hoại tử, kháng sinh, giảm đau. Trường hợp nặng hơn nữa sẽ gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng nếu vết thương không được chăm sóc tốt kèm thêm cơ địa bệnh nhân không đủ sức đề kháng.
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Út (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM)/ NLĐ
Bình luận (0)