Đây là bệnh lý gây đau nhức, sưng nề và biến dạng khớp gối làm đi lại khó khăn và giảm chất lượng cuộc sống. Tổn thương bao gồm sụn khớp mất trơn láng mòn trơ xương, xương mọc chồi gai, sạn khớp, bao khớp viêm tăng tiết dịch, trục chi bị vẹo... Nguyên nhân chính lão hóa khớp do tuổi tác, chấn thương, thừa cân, quá tải thời gian dài do chạy nhảy hoặc vận động mạnh, viêm khớp, di truyền...
Điều trị gồm giảm cân, tập luyện sức mạnh gân cơ vùng gối đúng cách, dùng thuốc kháng viêm và kích thích tái tạo sụn khớp, cuối cùng là phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Phẫu thuật thay khớp là một phương pháp triệt để thay khớp tổn thương bằng khớp kim loại nhân tạo, giúp bệnh nhân đi đứng không đau và cử động khớp tốt hơn. Nhưng đây là một phẫu thuật lớn, đòi hỏi điều kiện sức khỏe chịu được cuộc mổ và chi phí khá cao.
Nội soi khớp gối được xem là một biện pháp ít xâm nhập hơn thay khớp, tương đối hiệu quả, được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và VN để điều trị bệnh lý thoái hóa khớp gối hiện nay. Với các phương tiện chuyên dùng, nội soi khớp giúp:
- Khảo sát rõ ràng tổn thương từng cấu trúc khớp gối, từ đó điều trị chọn lọc vùng tổn thương, hạn chế làm thương tổn thêm các cấu trúc khác.
- Loại trừ nguyên nhân cơ học, gây đau, lỏng và kẹt khớp: sạn khớp, mảnh sụn vỡ, chồi gai xương, rách dây chằng...
- Cắt đốt mô viêm mà thuốc uống và tiêm không hiệu quả: viêm hoạt mạc, viêm bao khớp, viêm dây chằng, plica.
- Giải phóng bao khớp co rút.
- Điều trị hiệu quả các tổn thương sụn khớp: làm láng mặt sụn bằng radiofrequency, kích thích xương dưới sụn, ghép sụn khớp.
- Lọc rửa khớp.
- Cắt xương sửa trục.
* Ưu điểm:
- Phẫu thuật ít xâm lấn: đường mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau sau mổ.
- Tập vận động sớm, sớm trở lại sinh hoạt sau mổ.
- Phẫu thuật đơn giản, về trong ngày.
- Kéo dài thời gian chờ thay khớp.
- Có thể ứng dụng như là biện pháp tình thế cho bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe và kinh tế cho cuộc mổ thay khớp.
Theo BS NGUYỄN TRỌNG ANH (giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)