Khống chế thu nhập lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước: Lương không quá 100 triệu đồng/tháng

11/12/2009 10:23 GMT+7

Cần có những quy định, tiêu chí phân chia thu nhập chặt chẽ hơn, để bịt kẽ hở, nhất là đối với Cty mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối như trường hợp Cty cổ phần Hàng không Jetstar (lỗ dài nhưng lãnh đạo vẫn ăn lương hàng tỷ đồng/năm).

Đó là ý kiến của bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐTB&XH), quanh chuyện thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn, tổng Cty nhà nước.

Bà Minh cho biết: Theo quy định thì Bộ LĐTB&XH vẫn quản lý, phê duyệt đơn giá tiền lương hàng năm của các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước.

Theo Nghị định 207, về mặt nguyên tắc, thu nhập của cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp gắn chặt với kết quả công việc và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là gắn với lợi nhuận và năng suất lao động của doanh nghiệp đó.

Nếu như lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng thì tiền lương - thưởng tăng và ngược lại. Ngoài ra, còn có những quy định, lợi nhuận tăng nhưng năng suất giảm thì giảm trừ theo yếu tố năng suất; lợi nhuận giảm nhưng năng suất lao động tăng thì giảm trừ theo yếu tố lợi nhuận.

* Từ việc phê duyệt đơn giá tiền lương hàng năm, hiện nay tập đoàn nào đang trả lương cao nhất, thưa bà?

Tôi không thể nói là tập đoàn nào lương cao nhất vì Bộ LĐTB&XH chỉ duyệt tổng quỹ lương của tập đoàn. Từ tổng quỹ lương đó, tập đoàn, tổng Cty mới về phân phối trong nội bộ.

Bộ chỉ duyệt tổng quỹ lương, còn ông chủ tịch nhận được như thế nào là tùy thuộc vào cơ chế điều phối trong tập đoàn đó. Chỉ có điều, cơ chế tiền lương đó phải được xây dựng trên cơ sở công khai, minh bạch, thông qua ban chấp hành công đoàn và phổ biến đến từng người lao động.

* Thưa bà, về nguyên tắc doanh nghiệp phải có lãi người lao động mới được trả lương cao?

Về nguyên  tắc thì lương được tính dựa trên năng suất lao động. Tiền lương sẽ tăng khi lợi nhuận và năng suất lao động tăng, hoặc ngược lại. 

Nhưng Cty cổ phần hàng không Jetstar Pacific (Nhà nước chiếm cổ phần 76%), năm nào cũng lỗ nhưng tổng giám đốc vẫn nhận lương hơn 2 tỷ đồng/năm, thưa bà?

Lương của ban giám đốc, HĐQT trong Cty cổ phần thì do đại hội cổ đông, HĐQT quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nên Nhà nước cũng không thể can thiệp, bởi Nhà nước cũng chỉ là một cổ đông thôi.

* Như vậy, trong những trường hợp này người ta rất dễ lợi dụng để tham nhũng qua tiền lương?

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xây dựng một cơ chế riêng để quản lý đối với các Cty cổ phần mà Nhà nước có vốn góp chi phối. Chúng tôi đã trình Thủ tướng và Thủ tướng chỉ đạo cần bổ sung các tiêu chí để quản phần vốn chi phối của Nhà nước thông qua người đại diện.

* Vậy định  hướng sẽ quản như thế nào, thưa bà?

Về nguyên tắc thì việc chi trả thu nhập vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận và năng suất lao động. Nếu như đảm bảo được các chỉ tiêu tăng trưởng, lợi nhuận và năng suất lao động thì vẫn phải giao quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Tới đây có thể sẽ đưa thêm một số tiêu chí mới, như việc trả lương sẽ căn cứ thêm vào tỷ suất lợi nhuận. Vì với những Cty này nó gắn với vốn của Nhà nước, nếu tỷ suất lợi nhuận tăng, năng suất lao động cũng tăng thì tiền lương sẽ tăng.

Hiện chúng tôi dự trù đưa ra mấy phương án: Khống chế mức chênh lệch thu nhập giữa người quản lý và nhân viên (có ý kiến cho rằng thu nhập bình quân của người quản lý không được quá 10 lần so với người lao động);

Một số ý kiến của các bộ, ngành, Tổng Cty cho rằng nên khống chế mức lương tối đa của các thành viên HĐQT, ban giám đốc tối đa không quá 100 triệu đồng/tháng. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Nhóm PV (Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.