Về mặt thời gian, thập niên mà chúng ta đang sống những ngày cuối cùng này có ý nghĩa bước ngoặt đặc biệt. Đó là thập niên đầu tiên của thế kỷ, của thiên niên kỷ. Có điều, khi mà 10 năm đang sắp lùi vào dĩ vãng, dường như người ta vẫn chưa thể tìm ra một cái tên để đặt cho thập niên này. Báo chí Mỹ than: “Có cả 10 năm để suy nghĩ mà chúng ta vẫn không tìm ra cái tên nào”.
Ngày mới gõ cửa
10 năm trước, khi năm 2000 sắp gõ cửa, loài người đã vấp phải nhiều sự lúng túng. Thậm chí còn có những lời đồn về một thời khắc tận thế nào đó.
Thế rồi, năm 2000 đến. Đúng hai phút sau khi năm mới gõ cửa, chuông báo động tại một nhà máy hạt nhân ở Onagawa (Nhật Bản), vang lên. Giới chức chính phủ và các nhà khoa học máy tính nín thở. Phải chăng cơn bão Y2K - sự sụp đổ của hệ thống máy tính - đang đến? Nhưng không. Chẳng có gì nghiêm trọng cả.
Khi những tia sáng đầu tiên của vầng mặt trời thiên niên kỷ mới bắt đầu rọi xuống trung tâm Thái Bình Dương, quét dần tới Tây bán cầu, nhân loại hân hoan hít thở không khí của một thời đại mới.
Những dấu hiệu ban đầu khá đẹp. Chỉ số chứng khoán Nasdaq lên đỉnh cao 5.049, Dow Jones lên 11.723 điểm. Chứng khoán tăng cho thấy nền kinh tế thế giới đang đi lên, sau cơn khủng hoảng tồi tệ kéo dài suốt thập niên trước, đặc biệt là trong giai đoạn 1997 - 1998.
2000: Nasdaq đạt 5.049 điểm, Dow Jones đạt 11.723 điểm. Máy bay Concorde của Air France gặp nạn, 113 người chết. Ông George W.Bush đắc cử tổng thống Mỹ. |
Nhưng, ngày mới của thiên niên kỷ không chỉ có ánh mặt trời chiếu rọi, mà còn có cả bóng đêm tăm tối. Đầu tiên là những trận lũ kinh hoàng khiến hơn 1 triệu người mất nhà ở châu Phi. Ngày 25.7.2000, một máy bay Concorde của Pháp gặp nạn tại ngoại vi Paris, giết chết 113 người. Chẳng bao lâu sau, Concorde - một biểu tượng của công nghệ tối tân, của tốc độ và của vẻ đẹp thanh thoát trong công nghiệp hàng không - đã trở thành dĩ vãng. Năm 2000 còn được đánh dấu bởi vụ al-Qaeda tấn công tàu chiến USS Cole của Mỹ, một hành động sau này còn dẫn tới những cuộc chiến lâu dài trong suốt thập niên. Hãng bán lẻ Montgomery Ward của Mỹ đóng cửa sau 128 năm hoạt động. Cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cũng nảy sinh tranh cãi và rốt cuộc Tòa án Tối cao phải ra tay mới giải quyết được.
Nếu như nhìn vào những gì xảy ra trong năm 2000 để dự báo về thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 thì có thể thấy các mảng tối sáng đan xen nhau.
Sáng và tối
Thập niên qua đã chứng kiến sự bùng nổ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Sự ra đời của những mạng YouTube, Facebook, MySpace, Twitter… đã làm thay đổi cách thức mà con người trên thế giới này liên lạc với nhau, đã đẩy lùi mọi khoảng cách về không gian. Người với người trở nên gần nhau hơn. Thời đại của nhà-báo-công-dân bắt đầu. Trong những cuộc biểu tình ở Myanmar, Iran, Tây Tạng, Tân Cương, người ta thấy các hình ảnh nóng hổi đã được truyền đi qua mạng, bằng những thiết bị kỹ thuật số hiện đại khi mà những kênh báo chí chính thức chưa thể tiếp cận.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ liên lạc, đặc biệt là internet, đã tạo ra những đổi thay vô cùng to lớn của xã hội, tạo ra những giá trị vĩ đại về văn hóa, kinh tế...
Năm 2001, nước Mỹ chia tay triều đại Bill Clinton, ông George W.Bush nhậm chức. Kinh tế suy thoái nhẹ. Tiếp đó là một sự kiện thảm khốc: vụ khủng bố 11.9. Sự kiện này đã đẩy cả thập niên vào những hệ lụy về an ninh nghiêm trọng. Để đáp lại đòn khủng bố 11.9, Mỹ xua quân sang Afghanistan, nhanh chóng đánh sập chế độ Taliban hà khắc. Năm 2001 cũng chứng kiến vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ, vụ Enron.
Qua 2002, khủng bố tiếp tục ra tay, với sự kiện đẫm máu nhất nhằm vào các hộp đêm ở Bali (Indonesia), khiến khoảng 200 người chết. Tiếp đó là một thảm kịch kinh hoàng, lần này là ở Moscow (Nga), khi các tay khủng bố Chechnya chiếm giữ một nhà hát. Khoảng 120 người chết trong chiến dịch giải cứu sau đó. Tại Mỹ, thêm một vụ phá sản chấn động, vụ WorldCom.
Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq, lật đổ chính quyền Saddam Hussein. Một vụ cháy hộp đêm ở tiểu bang Rhode Island của Mỹ làm chết 100 người. Trận động đất ở thành phố Barn của Iran giết chết 26.000 người, phá hủy nhiều công trình văn hóa. Đây cũng là năm của bệnh SARS.
Sự kiện kinh khiếp nhất năm 2004 là trận động đất gây ra sóng thần ở Ấn Độ Dương vào sau đêm Giáng sinh, làm chết hơn 200.000 người ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Trước đó là vụ khủng bố xe lửa ở Madrid (Tây Ban Nha), khiến gần 200 người chết.
Thảm kịch tiếp tục xảy ra trong những năm tiếp theo, như trận động đất làm khoảng 80.000 người chết tại Pakistan vào năm 2005 và bão Katrina làm hơn 1.500 người chết tại Mỹ cùng năm. Năm 2006 được đánh dấu bởi cuộc chiến tranh Israel - Hezbollah ở Li-băng.
Bóng tối bạo lực tiếp tục lan tỏa trong năm 2007, với vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và vụ thảm sát tại Đại học Kỹ thuật Virginia của Mỹ.
Năm 2008, thiên tai tiếp tục hoành hành với trận động đất khiến khoảng 80.000 người chết hoặc mất tích ở Trung Quốc. Khủng hoảng tài chính bước vào giai đoạn đen tối với hàng loạt tập đoàn lớn ở Mỹ phá sản. Thời kỳ suy thoái bắt đầu. Cuối năm 2008, một sự kiện được đánh giá là lịch sử: ông Barack Obama trở thành người da đen đầu tiên đắc cử tổng thống Mỹ.
Đến năm 2009, các nền kinh tế lớn chậm chạp nhích ra khỏi suy thoái. Cùng lúc, dịch cúm A/H1N1 lại hoành hành.
Nhìn chung, trong thập niên qua, tình hình an ninh thế giới vẫn vô cùng ảm đạm. Xung đột liên miên. Các chuyển biến chính trị vẫn tối sáng xen lẫn. Một số chế độ độc đoán như Taliban bị lật đổ. Các cuộc cách mạng màu chưa thực sự đem lại đổi thay lớn. Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân Iran vẫn chưa có lối thoát. Xu hướng ly khai lan rộng. Mâu thuẫn giữa các nước vẫn hết sức nghiêm trọng. Kinh tế thế giới, bên cạnh một vài sự trỗi dậy, đã lâm vào khủng hoảng với mầm bệnh tích tụ từ nhiều năm trước. Thế giới cũng chưa tìm được tiếng nói chung để đối phó biến đổi khí hậu, thảm họa đang ngày một cận kề.
Nếu tìm một cái tên để đặt cho thập niên qua, có lẽ khả dĩ nhất đó là “Khủng hoảng”, không chỉ khủng hoảng kinh tế, chính trị, an ninh, mà còn khủng hoảng niềm tin.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)