Nhiều câu hỏi tại sao được đặt ra?
Không phải do chứng khoán thế giới rơi, bởi thị trường Mỹ và nhiều nước tăng nhiều hơn giảm; khi Mỹ giảm mà ta giảm đã đành, nhưng khi Mỹ tăng ta vẫn giảm và khi Mỹ giảm thì ta giảm nhiều hơn? Như vậy, không thể nói là do tác động xấu của thị trường thế giới. Tại sao chứng khoán Việt Nam lại “một mình một chợ”. Câu hỏi này chính là hỏi thị trường trong nước!
Cũng không phải do sự xả hàng của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ đã mua ròng tới vài chục phiên, với tổng giá trị không nhỏ. Tình hình có vẻ lặp lại như cách đây mấy tháng “Tây bán, Tây mua” mà không như một thời “Tây bán, Ta mua”. Câu hỏi này chính là hỏi các nhà đầu tư trong nước!
Cũng không phải “các ông hàng xóm” quá khỏe lấn át đã làm cho “ông chứng khoán” bị chèn ép mà yếu đi”. Giá vàng lúc trồi, lúc sụt, chênh lệch giữa mua và bán cách nhau lớn gấp nhiều lần trước đây; giá trong nước thường cao hơn giá thế giới; giá thế giới gần đây giảm mạnh, hiện giảm so với lúc cao nhất lên tới trên dưới 100 USD/ounce (tính theo VND ở trong nước thì mức giảm lên đến gần 2,3 triệu đồng/lượng). Giá USD được điều chỉnh tăng (tăng tỷ giá liên ngân hàng nhưng biên độ giao dịch giảm từ ±5% xuống ±3%), nhưng giá USD trên thị trường tự do đã giảm xuống và chênh lệch với giá USD trên thị trường chính thức giảm xuống. Giá bất động sản cũng lúc nóng, lúc lạnh, chỗ nóng, chỗ lạnh, loại nóng, loại lạnh cả về giao dịch, cả về giá đặt cũng như giá thực tế mua bán. Lãi suất tiết kiệm tăng lên và cho đến giờ phút này vẫn bảo đảm thực dương, nhưng cũng chỉ tăng dưới 1%/năm và mức cao nhất cũng chưa bằng 10,5%/năm, hay chỉ 0,87%/tháng và từ tháng 12 này trở đi có thể lại thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (tức là đã đến lúc lãi suất tiết kiệm bắt đầu thực âm) - đó là chưa nói dù lãi suất tiết kiệm có cao hơn tốc độ tăng giá thì cũng chỉ hấp dẫn đối với người có ít tiền, không biết đầu tư hoặc đầu tư nhưng tạm thời nhàn rỗi, tạm trú tại tiết kiệm chờ thời cơ, chứ chưa đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư (bởi nhà đầu tư còn phải vay với lãi suất cao hơn - lãi suất vay vốn - để đầu tư nhằm thu được lãi suất cao hơn).
Cũng không phải do các yếu tố cơ bản cả vi mô hay vĩ mô, cả trong nước và thế giới xấu đi, trái lại còn tốt lên.
Cũng không phải hoàn toàn do động thái tăng lãi suất cơ bản, tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước; đành rằng các động thái trên có tác động do tiền ra lưu thông sẽ ít đi, còn tiền từ lưu thông về ngân hàng sẽ nhiều hơn nhưng đây là động thái cân bằng lại mục tiêu giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát (trước là ưu tiên tăng trưởng, còn kiềm chế lạm phát được xếp sau). Điều đó có nghĩa là nguy cơ lạm phát đã được kiềm chế - mà lạm phát là nghịch đảo của chứng khoán (còn có thể gọi là kẻ thù của chứng khoán).
Vấn đề còn lại là các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư và các tin đồn. Ai cũng biết tin đồn là kẻ thù của chứng khoán, nhất là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ - họ làm gì có đủ lực chi phối để đưa ra tin đồn. Trong các nhà đầu tư thì “cá mập” như Báo Thanh Niên đã đề cập trên nhiều số báo là rất nguy hiểm, họ là kẻ thù của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, của thị trường. Có một số công ty chứng khoán đã không vô tư khi đưa ra khuyến cáo: trước đây đã có thời kỳ khuyến cáo bán ra, nhưng họ và các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư nước ngoài lại đẩy mạnh mua gom; nay cũng có thể cũng với chiêu bài này để các nhà đầu tư bán ra ở đáy, để rồi sau này lại mua vào ở đỉnh. Nhiều nhà đầu tư lại hoảng loạn bán tháo; nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thị trường. Gần đây lại có thông tin là lượng vốn cho vay hỗ trợ lãi suất (đã lên đến trên 400 nghìn tỉ đồng) sẽ được thu hồi trước 31.12.2009. Đây là điều không đúng và rất nguy hiểm, bởi việc cho vay cấp bù lãi suất vốn huy động (giải ngân) đến 31.12.2009 mới dừng, còn việc thu hồi sẽ theo hợp đồng cho vay, chủ yếu là từ sau 31.12.2009! Các ngân hàng thương mại còn đang phải “cạnh tranh” huy động vốn để đáp ứng yêu cầu cho vay cuối năm; cho vay cấp bù lãi suất để nông dân mua máy móc, để doanh nghiệp đầu tư trung dài hạn còn được ký tiếp và giải ngân sau 31.12!
Ngọc Minh
Bình luận (0)