Hội thảo còn có nội dung đánh giá hiệu quả, tác động của dự án Đào tạo báo chí (giai đoạn II) và đề xuất phương hướng hợp tác trong tương lai. Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn chủ trì hội thảo, cùng tham dự có hơn 50 tổng biên tập (TBT), phó tổng biên tập (PTBT) các báo trung ương và địa phương trong cả nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng, cho biết: Luật báo chí sửa đổi thông qua đến nay đã gần 10 năm; một số điều trong luật đã không còn phù hợp trước sự bùng nổ của thông tin và các loại hình báo chí. Theo ông Lượng, việc thực hiện Luật Báo chí vì thế đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, trong đó có việc cần thiết xem xét sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về các loại hình báo chí, hoạt động báo chí, khung nhuận bút, trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp của những người đứng đầu cơ quan báo chí, quyền và nghĩa vụ của nhà báo, tài chính đối với báo chí và cải chính trên báo chí...
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu là TBT, PTBT các báo cũng đã đưa ra nhiều vấn đề mới từ thực tiễn của hoạt động báo chí yêu cầu Luật Báo chí cần sớm sửa đổi để phù hợp.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, chia sẻ với các đại biểu: “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm tạo điều kiện phát triển báo chí, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu quả quản lý báo chí. Báo chí có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là một nghề rất đặc thù, có tính chuyên môn cao, vì vậy, quá trình đúc kết thực tiễn để xây dựng hành lang pháp lý rất cần thiết để báo chí phát triển đúng hướng, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ được Bộ TT-TT tiếp thu để tổng hợp đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Báo chí sửa đổi trong thời gian tới.
Hôm nay (13.12) các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Đào tạo báo chí trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ VN và Thụy Điển.
Bùi Ngọc Long - Hiền Lương
Bình luận (0)