Vụ Trung Quốc bắt giữ tàu cá VN: Hành động tái diễn không thể chấp nhận!

14/12/2009 00:02 GMT+7

Đây là vụ thứ 4 trong năm nay, phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa, trong khi đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt lâu nay.

Ba chiếc tàu đánh cá ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn, gồm: tàu QNg - 66398 TS của ông Dương Lúa (43 tuổi), trên tàu có 14 lao động; tàu QNg - 96004 TS của ông Lê Tân (49 tuổi), trên tàu có 14 lao động và tàu QNg - 66119 TS của ông Lê Văn Lộc (37 tuổi), trên tàu có 15 lao động (3 người này vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng) nhổ neo, rời đảo hôm 28.11.

Bất ngờ bị vây bắt trên biển

Theo tường trình của ông Dương Lúa, cả 3 tàu ra đến quần đảo Hoàng Sa mới hành nghề được vài ngày thì trưa ngày 7.12, khi tàu của ông đang ở tọa độ 16 độ 45’N - 112 độ 35’E thì bất ngờ một tàu sắt Trung Quốc mang biển kiểm soát 309, có trang bị vũ khí đến khống chế bắt giữ tàu và các ngư dân về đảo Phú Lâm giam giữ.

Đến trưa 8.12, tàu Trung Quốc (cũng mang biển kiểm soát trên) tiếp tục vây bắt tàu QNg - 96004 TS khi đang hành nghề tại tọa độ 16 độ 25’428”N - 112 độ 42’042”E.

Đến 13 giờ cùng ngày, vẫn chiếc tàu Trung Quốc nói trên tiếp tục thả ca-nô cao tốc rượt đuổi, vây bắt tiếp tàu QNg - 66119 TS lúc đang hành nghề tại tọa độ 16 độ 26’N - 112 độ 42’E.

Hai chiếc tàu cùng ngư dân bị bắt hôm 8.12, phía Trung Quốc cũng đưa về đảo Phú Lâm, giam giữ 43 ngư dân vào một phòng. Sau đó, phía Trung Quốc cử người đến đưa cho mỗi thuyền trưởng một bản tự khai viết bằng tiếng Việt có nội dung: “Thuyền đánh cá của ngư dân VN đã vi phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc và sử dụng chất nổ trái phép” (!?), đồng thời buộc các ngư dân phải sao chép lại đúng nội dung, nếu viết không đúng với nội dung hướng dẫn sẽ bị đánh đập. “Với tình cảnh như thế, chúng tôi buộc lòng phải ký vào biên bản chứ chẳng còn cách nào hơn”, ông Lê Tân nói.

Cũng theo tường trình của ông Tân, trước khi phóng thích tàu của ông cùng 43 ngư dân về lại Lý Sơn vào ngày 10.12, phía Trung Quốc đưa những bao được cho là thuốc nổ từ trong kho của họ xuống 3 tàu để quay phim, chụp ảnh đồng thời tịch thu 5 tấn hải sản đã đánh bắt được và 3.000 lít dầu trên tàu của ông.

Mãi đến tối 11.12, tàu của ông Tân cùng 43 ngư dân mới về đến đảo Lý Sơn, song hai tàu QNg - 66398 TS và QNg - 66119 TS bị phía Trung Quốc tịch thu với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng. “Dù được thả về với gia đình nhưng giờ gia sản chỉ còn tay trắng, biết lấy gì nuôi sống gia đình đây”, ngư dân Dương Lúa than thở.

Khẩn trương can thiệp

Không chỉ thả vô điều kiện các tàu cá của ngư dân VN mà còn bồi thường cả vật chất và tinh thần bởi họ hành nghề ngay trên vùng biển chủ quyền của mình

Ông Trương Ngọc Nhi,
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Chiều 13.12, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết, ngay sau khi 43 ngư dân về đến Lý Sơn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi lập tức cử cán bộ chiến sĩ đến từng gia đình làm việc với các ngư dân để nắm tình hình, thu thập chứng cứ. Tất cả các ngư dân cũng đã làm tường trình vụ việc. Trên cơ sở này, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã có văn bản báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, yêu cầu thả vô điều kiện 2 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang bị phía Trung Quốc tịch thu, giam giữ tại đảo Phú Lâm.

Theo ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước mắt UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ các chứng cứ, nhất là nội dung tường trình của 43 ngư dân. Sau khi đầy đủ hồ sơ, UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp, phản đối hành động của phía Trung Quốc.

“Không chỉ thả vô điều kiện các tàu cá của ngư dân VN mà còn bồi thường cả vật chất và tinh thần bởi họ hành nghề ngay trên vùng biển chủ quyền của mình”, ông Nhi nói.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.