Sau chuyến đi nước ngoài, hành khách cũng không muốn giữ những đồng xu lẻ gần như không có giá trị quy đổi tại quê nhà. Họ bỏ tiền xu vào phong bì, từ đó, phi hành đoàn gom lại, nhờ ngân hàng đổi thành những đồng tiền có mệnh giá lớn hơn dành cho hoạt động nhân đạo.
Hơn 10 triệu đô la Mỹ đã được Cathay Pacific quyên cho Unicef từ năm 1991 thông qua Tiền lẻ thiện nguyện để giúp đỡ trẻ em khốn khó trên thế giới.
Tôi bất ngờ về sáng kiến trên, có lẽ vì nó chỉ đòi hỏi một mức độ hảo tâm quá nhỏ bé và những hình ảnh về tiền xu từ thiện trong tiềm thức tôi bỗng tái hiện.
Những lần bão tàn phá miền Trung, nhiều bậc phụ huynh dẫn con mình ôm heo đất đến Báo Thanh Niên đập để quyên tiền giúp các bạn bị thiên tai.
Đó là công lao dạy dỗ của các bậc cha mẹ. Họ dạy con mình biết chi tiêu tiết kiệm. Và quan trọng hơn, họ dạy con mình không vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại.
Đồng nghiệp Thục Minh cũng đã có bài viết về sáng kiến "One Coin One Brick" - mỗi đồng xu một viên gạch, do sinh viên Việt Nam khởi xướng tại Đại học Quốc gia Singapore nhằm xây một lớp học cho các em nhỏ ở Quảng Nam. Chương trình đã thu được 3.600 đồng 50 xu, xếp thành mô hình một lớp học và các bạn trẻ đã ôm lớp học tiền xu này đến ngân hàng, đổi được hơn 1.000 đô la. Người Singapore đã ghi tên cuộc vận động này vào sách kỷ lục quốc gia của họ.
Những sáng kiến trên đã thể hiện một công năng khác hẳn của tiền xu mà ít người đề cập. Tiền xu không đơn thuần chỉ để người dân mua nước uống, xài điện thoại công cộng, giặt quần áo, hay đi xe buýt…
Nhiều đại biểu trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi quan ngại về sự biến mất của tiền xu.
Nếu tiền xu mất thật, những câu chuyện kể ở trên sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng.
Ngọc Thịnh
Bình luận (0)