Dâu tằm ăn tên khoa học là Morus alba albeae. Đông y gọi là tang ngọc vì toàn thân cây, vỏ, lá, trái dâu và đến cả con sâu đục ruột cây cũng được dùng chế tác thuốc. Trái dâu vị ngọt pha chua, tính mát, ăn tươi hay ngâm rượu dùng bồi bổ gan, thận, dưỡng kinh mạch, trừ cảm mạo, phong hàn. Rượu dâu để lâu năm giúp giảm ho có đờm xanh, hạ cơn suyễn.
Một số đơn thuốc sử dụng cây dâu:
- 200gr con sâu dâu, sao khử thổ vàng (hoặc mua ở hiệu thuốc nam), 250ml mật ong, ngâm sau 10 ngày sử dụng giúp trẻ biếng ăn (mỗi lần 5ml), người cao tuổi suy nhược, mất ngủ, ho và tiểu đêm nhiều.
- 500gr quả dâu tươi, rửa sạch, ép lấy nước cốt, cho vào nồi đất nung với 200ml nước. Lúc đầu lửa to cho dâu mau nhừ, sau đó để lửa nhỏ đến khi sắp cô đặc thành cao thì cho vào 20ml mật ong và 300gr đường phèn, giữ trong lọ sành kín. Mỗi ngày uống 1 muỗng canh với nước nóng (cữ trà tàu). Liên tiếp 20 ngày chữa tóc bạc sớm, đặc biệt người trẻ bị hói sớm.
- Chữa lao hạch, táo bón, uống rượu nhiều mờ mắt, ù tai, nữ cao tuổi huyết hư, hay hoa mắt do thiếu máu: 1kg quả dâu tươi rửa sạch, 300gr đường trắng, ngâm 2 lớp dâu, 1 lớp đường. Sau 10 ngày, uống mỗi ngày 3 lần, từ 15-20ml. Trong 20 ngày.
- Người cao tuổi bị tê thấp, đau nhức, đứng lên, ngồi xuống đau buốt hông: Dùng 3kg vỏ + 3kg lá dâu, rửa sạch, sao khử thổ thật cháy vàng, tán nhuyễn. Mỗi ngày uống 2 lần trưa, chiều (sau bữa ăn), từ 2-3 muỗng canh. Liên tục đến khi dứt.
- Phổi nóng, bí tiểu, tiểu gắt: Dùng 1kg vỏ + rễ cây dâu nấu với 2 lít nước còn 0,5 lít. Uống hết trong ngày sẽ thông niệu đạo.
Lương y Dương Tấn Hưng
Bình luận (0)