Sẽ có “Học kỳ trên biển”

20/12/2009 21:25 GMT+7

Trước thềm Đại hội (ĐH) Hội LHTN Việt Nam, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn (ảnh), Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam về công tác thanh niên.

* Thưa anh, ĐH của những người trẻ lần này có gì khác so với kỳ trước?

- ĐH Hội LHTN Việt Nam lần VI (có thể trong tháng 3 hoặc tháng 4.2010) sẽ có nhiều nét mới, nhất là phần nghị sẽ ít hơn phần hội. ĐH sẽ xây dựng một phương án tổ chức hành trình để thu hút được sự quan tâm của đông đảo thanh niên. Dọc theo hành trình, các đại biểu sẽ gặp gỡ, giao lưu với nhiều giới thanh niên. Từ các cuộc giao lưu này sẽ có nhiều gợi ý cho công tác Hội trong nhiệm kỳ sắp tới.

"Học kỳ trên biển" sẽ khơi gợi lòng yêu nước, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của những người trẻ. Đồng thời cũng giúp cho thanh niên hiểu sâu hơn sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phần nghị tại ĐH rất ngắn gọn. Chủ yếu là công bố kết quả công tác Hội nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới... Sau khi kết thúc ĐH thì sẽ mở ra hành trình mới, T.Ư Đoàn sẽ tổ chức cuộc hành trình “Vì biển đảo quê hương”. Đây là kết quả của ĐH gửi đến các chiến sĩ nơi hải đảo.

* Anh có thể nói thêm về cuộc hành trình “Vì biển đảo quê hương”?

- Năm 2010, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam các quân chủng Hải quân, Biên phòng, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an để làm tốt các sự kiện tuyên truyền về bảo vệ an ninh Tổ quốc, về biển, đảo. Dự kiến sau khi kết thúc ĐH Hội LHTN Việt Nam thì sẽ chọn cán bộ đoàn, thanh niên tiêu biểu trong cả nước tham gia. Ngày 30.4 các đại biểu sẽ có mặt trên đảo, tham gia các hoạt động giao lưu cùng với các chiến sĩ.

* Thưa anh, ai sẽ được tuyển chọn tham gia chương trình “Học kỳ trên biển”?

- T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quân tổ chức chương trình “Học kỳ quân đội”. Đây sẽ là một bước chuẩn bị cho chương trình “Học kỳ trên biển” với chủ đề “Hành trình theo chân đoàn tàu không số”. Hành trình này sẽ mô phỏng theo cách mà các tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào tiếp tế cho miền Nam đánh giặc. “Học kỳ trên biển” không chỉ giúp tìm hiểu lịch sử mà còn là một học kỳ thiên nhiên qua đó giúp những người tham gia biết thêm về biển, đảo, có những trải nghiệm quý giá.

Trao đổi xung quanh việc hỗ trợ thanh niên công nhân trong tình hình kinh tế khó khăn, anh Mãi nói: “Do kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng đến các mặt đời sống công nhân, chúng tôi cũng rất trăn trở. Vì thế, năm 2009, T.Ư Đoàn đã chọn chủ đề "Thanh niên với nghề nghiệp việc làm" và tháng Thanh niên (tháng 3) đã chọn chủ đề "Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội để tập trung vào việc chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên". Hiệu quả của việc chọn chủ đề nói trên được xã hội quan tâm, đã giúp đỡ hàng triệu thanh niên được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thậm chí giúp cả vật chất. Chúng tôi tiếp tục suy nghĩ, tính toán làm sao để chăm lo được nhiều hơn”.

“Học kỳ trên biển” là một sự kiện lớn góp phần động viên, khích lệ các chiến sĩ đang ngày đêm cầm chắc tay súng giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời cũng giúp cho thanh niên hiểu sâu hơn sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Kỳ vọng của chương trình là khơi gợi lòng yêu nước, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của những người trẻ. Đó sẽ là tinh thần sẵn sàng khi đất nước cần tuổi trẻ biết hy sinh, là tình yêu đất nước. Thời gian tham gia có thể trong vòng 3 tuần hoặc 1 tháng.

* Ở góc độ khác, với những tiện ích có được từ internet, nhiều người trẻ tự do bày tỏ sở thích, chính kiến, thái độ sống, ý thức... song việc kết tập họ Hội chưa làm được?

- Đúng. Phải thừa nhận rằng chúng tôi làm chưa tốt. Sắp tới Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ có cuộc giao lưu trực tuyến với thanh niên VN ở nước ngoài. Để thu hút được các công dân mạng, tôi cho rằng cần củng cố các trang web của Đoàn, tạo những diễn đàn trên đó để có sự trao đổi tương tác sinh động hơn, tổ chức các games lành mạnh, các câu lạc bộ sở thích... có như vậy mới tập hợp được họ.

* Anh vừa nói sẽ có cuộc giao lưu trực tuyến với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Vậy quan điểm của anh như thế nào về việc dự thảo quy chế quản lý du học sinh do Bộ GD- ĐT ban hành đã gây bức xúc cho dư luận?

- Việc quản lý phải gắn liền với việc chăm lo, tạo điều kiện để hỗ trợ chứ không phải quản lý theo kiểu hành chính. Bây giờ người ta đã đề cập đến “biên giới mềm”, không phải học xong trở về nước thì mới là phục vụ. Yêu cầu cần đặt ra đối với quy chế này là làm sao phải có sự kết nối tốt để thanh niên Việt Nam đi học, đi làm ở nước ngoài mà vẫn đóng góp được ý kiến, trí tuệ, kể cả tài chính cho đất nước...

Theo tôi, đừng đặt vấn đề là du học sinh buộc phải quay về, bởi có những ngành nghề chưa có điều kiện phát triển ở VN.

* Cảm ơn anh.

Thiên Long (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.