Theo hãng tin AP, căng thẳng giữa Iraq và Iran xảy ra vào tối 17.12, khi các lực lượng Iran chiếm giữ giếng dầu số 4 thuộc khu mỏ al-Fakkah ở tỉnh Maysan (Iraq), cách biên giới với Iran khoảng 100m. Hôm 19.12, Iraq đã điều lực lượng tăng viện gồm cả cảnh sát lẫn quân đội đến khu vực trên, AP dẫn lời hai quan chức của đơn vị quân đội đóng gần đó cho hay. Một trong hai quan chức cho biết binh sĩ Iran có mặt tại giếng dầu trong cả ngày 19.12 và rút đi vào tối cùng ngày, để lại một lá cờ Iran. Và hôm qua, theo phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh, binh lính Iran đã rút lui 50m khỏi giếng dầu mà họ chiếm giữ, tuy nhiên rất khó thẩm định thông tin này, theo Reuters.
Trước đó một ngày, phát ngôn viên al-Dabbagh đã thúc giục Iran rút lực lượng khỏi khu vực giếng dầu nhằm thực hiện “cam kết quan hệ tốt đẹp mà họ đã tuyên bố với Iraq”. Về phía Iran, quân đội nước này đã ra tuyên bố phủ nhận việc họ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Iraq vì giếng dầu số 4 thuộc về Iran theo hiệp định biên giới đã ký năm 1975. Tình trạng căng thẳng đã dẫn đến cuộc họp đột xuất của Hội đồng an ninh quốc gia Iraq cũng như các cuộc họp cấp cao giữa Baghdad và Tehran. Trong cuộc điện đàm tối 19.12, ngoại trưởng hai nước đã nhấn mạnh cần có một cuộc họp “nhằm thực thi các hiệp định biên giới song phương”, theo hãng tin IRIB của Iran. Giới chức Mỹ, vốn lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran, đã hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của Iraq nhưng khẳng định sẽ không can thiệp, theo AP.
Theo hãng tin Reuters, vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Dầu mỏ Iraq ký hợp đồng khai thác với một số công ty hàng đầu thế giới trong lần đấu giá thứ hai kể từ khi quân đội Mỹ tiến vào Iraq năm 2003. Quan hệ Iraq - Iran đã được cải thiện đáng kể từ khi chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo lên nắm quyền ở Iraq sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein ủng hộ giáo phái Sunni vào năm 2003. Cùng với Bazargan và Abu Gharab, al-Fakka là một phần mỏ dầu thuộc khu vực Maysan với trữ lượng ước đạt 2,463 tỉ thùng. Hoạt động khai thác dầu ở đây bắt đầu vào thập niên 1970 nhưng bị ngưng trệ khi nổ ra cuộc chiến Iraq - Iran.
Giới quan sát nhận định rằng, bằng việc chiếm mỏ dầu al-Fakka, Iran muốn “nhắc nhở” Iraq về sức mạnh kinh tế và chính trị của mình trong khu vực chứ không nhằm khiêu khích. Theo họ, giới chức ở Tehran có thể đang nhận thấy họ bị cô lập nhiều hơn sau cuộc bầu cử tổng thống và do căng thẳng quanh chương trình hạt nhân của nước này, và rằng Iran đang có những vấn đề nội bộ, nhưng điều đó không có nghĩa là Iraq có thể cho khai thác dầu sát biên giới mà không tham khảo ý kiến Iran. Về phía Iraq, xung đột với Iran là một vấn đề nhạy cảm trước cuộc bầu cử sắp tới. Khi chính quyền Baghdad đang nhích dần ra khỏi bóng của Washington thì ngay cả những quan chức thân thiện với Tehran cũng không thể chấp nhận bị coi là khuất phục trước các thế lực nước ngoài, kể cả Iran.
Trùng Quang
Bình luận (0)