Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 1: MIG 17 xuất kích

21/12/2009 14:35 GMT+7

Cùng với các quân binh chủng khác trong Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam, lực lượng không quân đã góp phần to lớn vào chiến thắng thần thánh của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2009), Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài về những chiến công như huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến, cũng như quá trình hiện đại hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Không quân Việt Nam ngày nay.

Đầu năm 1963, các học viên học lái máy bay chiến đấu của  QĐND VN ở nước ngoài đã hoàn thành phần bay cơ bản của MIG 17. Ngay lúc đó, Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ cho quân đội ta 36 máy bay tiêm kích, gồm 3 chiếc huấn luyện hai chỗ ngồi UMIG-15 và 33 chiếc MIG 17.

Ngày 30.5.1963, trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 18/QĐ thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và bổ nhiệm trung tá Đào Đình Luyện làm trung đoàn trưởng.

Sau khi thành lập, trung đoàn vừa tiến hành xây dựng, ổn định về tổ chức, vừa khẩn trương huấn luyện. Trong khi đó, tình hình chiến sự trong nước ngày một căng thẳng.

Sau khi dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ", ngày 5.8.1964,  Mỹ mở màn cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân.

Ngày 6.8.1964, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 từ nước ngoài đã về đến sân bay Nội Bài. Ngay sau đó, Trung đoàn  921 nhanh chóng ổn định và tập trung vào huấn luyện. Các bài bay ứng dụng chiến đấu, các phương án đánh địch được triển khai tập luyện. Qua hơn nửa năm, các phi công của trung đoàn đã vững vàng, thuần thục các khoa mục chiến đấu trên không trong đội hình biên đội 2 chiếc, 4 chiếc... Thời điểm xuất kích lần đầu của không quân VN không còn xa nữa.

Chiến công đầu tiên

 

Mig 17 của Không quân Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Ngày 3.4.1965, Bộ tư lệnh quân chủng quyết định cho Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 xuất kích trận đầu. Nhiệm vụ chiến đấu đã được phổ biến đến các chiến sĩ. Phương án tác chiến đã được cấp trên duyệt, được trung đoàn tổ chức cho phi công thực hiện, luyện tập kỹ càng. Hai biên đội tham gia trận đầu tiên, trong đó biên đội trực tiếp chiến đấu gồm Phạm Ngọc Lan số 1 - chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay tiêm kích địch. Các máy bay của biên đội trực chiến đã ở vị trí sẵn sàng.

Lúc 7 giờ sáng, các đài ra-đa của ta phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát khí tượng và mục tiêu. Sở chỉ huy quân chủng nhận định: có khả năng địch sẽ huy động lực lượng lớn đánh phá cầu Hàm Rồng. Tại Sở chỉ huy quân chủng, đại tá Phùng Thế Tài (tư lệnh) và đại tá Đặng Tính (chính ủy) đều có mặt theo dõi trận ra quân đầu tiên của lực lượng không quân tiêm kích.

Vào lúc 9 giờ 40 phút, 60 lần máy bay cường kích của Hải quân Mỹ cùng lúc bay vào đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. Giờ phút xuất kích đã đến. 9 giờ 47 phút, biên đội làm nhiệm vụ nghi binh và yểm hộ được lệnh cất cánh, bay về hướng tây nam thuộc vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Một phút sau, biên đội tiến công cất cánh hướng 210 độ tiến về vùng trời Thanh Hóa theo đội hình sục sạo. Khu vực chiến đấu là vùng trời Hàm Rồng. Lúc 10 giờ 8 phút biên đội tiến công chỉ còn cách đối phương 45 km, trên hướng có lợi cho việc phát hiện mục tiêu. Sau đó 1 phút, Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội chuyển từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ hai gồm số 3 và số 4. Từng tốp tạo thế có lợi tiếp cận, bám sát địch. Địch chưa phát hiện được máy bay ta, vẫn bay theo đội hình hàng dọc vào đánh mục tiêu.

Sau khi phát hiện mục tiêu, theo lệnh biên đội trưởng, từng tốp lao vào tiến công. Số 1 và số 2 đã bám được một tốp hai máy bay địch. Địch vẫn không ngờ có máy bay MIG chặn đánh. Vì lần đầu đi chiến đấu, chưa có kinh nghiệm, Phan Văn Túc bay số 2 nhằm một mục tiêu bắn một loạt đạn ở khoảng cách còn khá xa, nên không trúng. Phạm Ngọc Lan thông báo cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng vị trí yểm hộ rồi cho máy bay vào tới cự ly bắn có hiệu quả và siết cò. Chiếc F-8U của địch bị trúng đạn bốc cháy lao thẳng xuống đất. Đây là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị Không quân VN bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Phạm Ngọc Lan là phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam đã lập chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ.

Đối phương hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của MIG và hoảng hốt khi máy bay bị bắn rơi, không còn tập trung vào nhiệm vụ đánh phá, buộc phải cơ động tìm cách đối phó.

Cùng trong thời điểm đó, tốp thứ hai của biên đội cũng bám được một tốp khác của đối phương. Được Trần Minh Phương (số 4) yểm hộ, Hồ Văn Quỳ (số 3) lao vào công kích máy bay địch. Loạt đạn bắn ở cự ly quá xa, không trúng, máy bay địch tăng tốc chạy thoát. Máy bay địch bắt đầu quay lại chống trả. Bốn chiếc MIG vẫn tiếp tục quần nhau với tốp F-8 với số lượng đông hơn nhiều lần. Lúc 10 giờ 15 phút, phát hiện thấy bên phải có một máy bay địch ở gần, Phan Văn Túc số 2 báo cáo biên đội trưởng và xin phép vào công kích. Tới cự ly có lợi, Phan Văn Túc bắn liền ba loạt. Chiếc F-8U lạng đi rồi bùng cháy, rơi xuống. Biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu về hạ cánh, lúc đó là 10 giờ 17 phút. Biên đội yểm hộ cũng được lệnh trở về.

Bắn hạ “thần sấm”

Đúng như dự kiến, sáng ngày 4.4.1965 địch lại ồ ạt kéo vào. 50 máy bay của Không quân Mỹ tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng và Nhà máy điện Thanh Hóa. Lực lượng phòng không bảo vệ mục tiêu nổ súng đánh trả quyết liệt. Bộ tư lệnh quân chủng cho không quân xuất kích theo phương án.

Lúc 10 giờ 20 phút, những biên đội trực chiến được lệnh cất cánh. Biên đội nghi binh bay trước gồm Lê Trọng Long số 1 biên đội trưởng, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Sau khi cất cánh, toàn biên đội được dẫn về khu vực Vụ Bản, Phủ Lý (Nam Hà) làm nhiệm vụ thu hút tiêm kích địch, sẵn sàng yểm hộ biên đội công kích. Hai phút sau biên đội tiến công gồm biên đội trưởng Trần Hanh số 1, Phạm Giấy số 2, Lê Minh Huân số 3 và Trần Nguyên Năm số 4 được lệnh cất cánh. Biên đội được dẫn bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ vào hướng đông - nam. Đến khu vực chiến đấu, toàn biên đội được lệnh kéo lên chiếm độ cao.

10 giờ 30 phút, cùng một lúc các phi công trong biên đội đều báo cáo phát hiện máy bay địch. Một tốp 4 chiếc F-105D đang kéo lên sau khi bổ nhào cắt bom, độ cao và tốc độ ở thế bất lợi. Phát hiện được điều đó, biên đội trưởng lệnh cho số 2 yểm hộ rồi lao tới bám chiếc đi đầu. Đến cự ly cách địch còn khoảng 400m, Trần Hanh siết cò, cả ba khẩu pháo cùng nhả đạn. Chiếc "thần sấm" trúng đạn, lật nghiêng rơi thẳng xuống.

Sau khi phát hiện máy bay ta, tiêm kích Mỹ quay lại, lợi dụng ưu thế về số lượng, tốc độ và hỏa lực tập trung chặn đánh. Tình huống đã được dự kiến nhưng diễn biến quá nhanh và phức tạp. Biên đội buộc phải phân làm hai tốp. Số 1 và số 2 ở phía nam Hàm Rồng, số 3 và số 4 ở phía bắc Hàm Rồng, ít phút sau, được số 4 yểm hộ, Lê Minh Huân số 3 bắn rơi chiếc F-105 thứ hai. Bị đòn đau, đối phương kéo tới đông hơn. Trận không chiến diễn ra ác liệt. Tên lửa không đối không của địch phóng tới từ nhiều phía. Phi công Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh. Trần Hanh đã vượt được ra ngoài vòng vây máy bay địch sau nhiều động tác xử lý phức tạp, để tránh tên lửa của địch nên bị mất phương hướng, không xác định được vị trí đang bay. Liên lạc với sở chỉ huy cũng không được trong khi lượng dầu trên máy bay lại sắp cạn. Trần Hanh quyết định không nhảy dù và tìm địa điểm hạ cánh bắt buộc. Nhờ bản lĩnh vững vàng cùng sự bình tĩnh, khéo léo, Trần Hanh đã hạ cánh an toàn xuống một thửa ruộng trong thung lũng thuộc bản Ké Tằm, phía tây tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương đã chăm sóc rồi đưa anh về cơ quan huyện đội. 

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.