Nước rút để lại những khoảng đất nứt nẻ, thuyền bè tạm gác lại những chuyến nhổ neo, những mẻ lưới cũng vì đó mà thưa dần... Cuộc sống của hơn ba chục hộ dân xóm vạn chài nơi bãi Giữa sông Hồng ngày càng trở nên vất vả, khốn khó hơn. Anh Nguyễn Văn Ngọt, một dân chài, cho hay: “Mùa nước nổi, mỗi mẻ lưới cũng kiếm được khoảng 3 kg cá, quy ra tiền vào quãng hơn trăm nghìn đồng. Nhưng đã hơn ba tháng nay, nhiều hôm xuôi thuyền mãi tít hạ nguồn mới kiếm được vài ba con cá”. Việc chài lưới trên sông gặp rất nhiều khó khăn, các hộ trong xóm phải xoay qua làm đủ thứ việc. Với cánh đàn bà trẻ nhỏ, là việc lượm rác, trồng rau muống, đi hớt hồng trần đem bán cho những cửa hàng nuôi cá cảnh ngoài phố. Đám đàn ông sức vóc lên bờ đi bốc vác hoặc ra chợ lao động ngồi chờ người thuê đào đất, gánh cát...
Không riêng dân xóm chài, cánh nhà nông nơi bãi Giữa cũng đang phải đối mặt với một vụ mùa thất thu nặng, do mực nước sông Hồng xuống quá sâu. Chị Tư, người canh tác trên đất bãi Giữa hơn 20 năm, tỏ ra lo lắng: “Mùa cạn mới bước qua tháng thứ 3 mà đã thiếu nước tưới cho hoa màu. Giờ muốn có nước chỉ còn cách phải ra mãi tít ngoài chỗ lòng sông mới lấy được. Mà mùa khô phải qua tháng 2 âm lịch, nghĩa là còn kéo dài những 5 tháng nữa. Khi ấy, không biết nước sông Hồng còn xuống thấp tới mức nào”.
“Dân bãi Giữa vẫn sinh hoạt bằng nước sông Hồng. Nhưng khi đó con nước lớn, dòng sông cuộn chảy từ đầu nguồn về, luôn sạch và chỉ cần đánh phèn, rồi lọc qua là dùng được. Nhưng giờ lòng sông đã cạn, chỉ toàn nước tù với nước thải từ các cống rãnh trên phố xả xuống thôi”, chị Nguyễn Thị Hồng, một thành viên xóm thuyền, lý giải việc hằng ngày chị cùng nhiều gia đình khác trong bãi phải lên bờ mua từng gánh nước về dùng. Hiện tại, một gánh nước ăn có giá 7.000 đồng, một xô nước có giá 4.000 đồng. Hộ gia đình bốn khẩu, dùng dè xẻn ngày hết 3 gánh nước. Còn đông con như nhà chị Hồng cũng không dưới 5 gánh. Trong khi thu nhập cả nhà từ gồng gánh thuê, nhặt ve chai bán... cũng không nổi trăm nghìn/ngày.
Trên con tàu chở cát trị giá ngót 6 tỉ, anh Nguyễn Văn Vinh quê Yên Lạc (Vĩnh Phúc) kể, không những tới sớm mà mùa cạn năm nay mực nước còn thấp hơn mọi năm. Như mùa cạn năm ngoái, túc tắc mỗi tháng tàu cũng xuôi chừng 10 chuyến cát về bến Gia Lâm. Năm nay kém hơn, tính cả tháng 9, 10 và 11 tàu mới xuôi được 15 chuyến... thu nhập không bằng phân nửa. Trong khi tiền bến bãi, xăng dầu, nhân công và nhất là khoản lãi vay ngân hàng, hằng tháng vẫn phải trả. Cũng theo anh Vinh, để có được những con tàu trị giá cả chục tỉ bạc, không riêng gì anh, nhiều chủ tàu khác cũng chấp nhận vay ngân hàng. Lãi suất phải trả hằng tháng, người ít cũng khoảng 20 – 30 triệu đồng, còn hộ nhiều lên tới cả 40 triệu đồng/tháng.
Không chỉ mực nước sông Hồng cạn bất thường, giờ đóng mở cầu phao Chèm mỗi ngày cũng khiến rất nhiều chủ tàu, thuyền gặp bất lợi. Chị Nguyễn Thị Lý, một thương lái hoa quả, người thị trấn Hưng Hóa (H.Tam Nông, Phú Thọ), cho hay: từ bãi Chương Dương, đợi thủy triều lên để vượt qua những khúc sông, luồng lạch cạn thấy đáy, ra tới chân cầu Thăng Long đã mất gần ngày. Rồi lại phải buông neo đợi thêm 16 tiếng chờ cầu phao mở (từ 21 giờ đến 5 giờ), mới có thể thoát khỏi khu vực Chèm. Như thế, một chuyến hoa quả từ Hà Nội ngược Phú Thọ, trước mất đúng một ngày, nay kéo dài tận 3 – 4 ngày. “Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu hoa quả tăng cao mà thu nhập không bằng non nửa mùa trước. Tình hình này còn kéo dài chắc mình có nước bán tàu, chuyển nghề khác kiếm tiền nuôi gia đình mất”, chị Lý nói. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng chị Lý, mà còn là của nhiều chủ tàu, thuyền đang neo đậu dưới chân cầu Thăng Long đợi giờ mở cầu phao.
Minh Sang
Bình luận (0)