Người làm được điều đó là anh hùng phi công Nguyễn Tiến Sâm. Ông sinh năm 1946, là một phi công dạn dày trận mạc của Không quân VN. Gặp ông ở nhà riêng tại Hà Nội, tôi ngạc nhiên: “Cứ tưởng chú to cao và phải khỏe lắm?”. Ông cười đôn hậu: “Xưa nay tôi vẫn vậy, lúc nào cũng chỉ 55 cân thôi. Trông thấp bé nhẹ cân thế mà khỏe lắm...” .
Bay vào vùng nổ
Ông hào hứng kể, năm 1968, khi mới về nước bay 3 chuyến, ông được cấp trên xem xét cho vào trực chiến ngay. Những năm 1969, 1970, ông thường trực chiến ở Thanh Hóa, Nghệ An bảo vệ đường huyết mạch chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1972, ông cùng với phi công Nguyễn Đức Soát được chuyển qua Trung đoàn 927. Tưởng rằng sang đó sẽ làm công tác huấn luyện nhưng chiến tranh quá ác liệt nên ông lại tiếp tục cùng đồng đội lao vào chiến đấu.
“Là cán bộ chỉ huy, trong lúc anh em cấp dưới có người đã bắn rơi vài chiếc máy bay nhưng tôi chưa bắn rơi được chiếc nào, nóng ruột lắm. Thế rồi ngày ấy đã đến. Sáng 5.2.1972, tôi được lệnh xuất kích từ sân bay Nội Bài. Tôi bay số 1. Anh Hà Vĩnh Thành bay số 2. Mới bay qua Gia Lâm, tôi nhận được lệnh của mặt đất: Vứt thùng dầu phụ. Tăng độ cao từ 2.000 đến 6.000 mét. Lúc đó tôi cũng chưa nhìn thấy địch nhưng chỉ sau ít phút, số 2 báo đã phát hiện được địch, xin công kích và đã bắn hạ được một chiếc F4. Đến lúc đó, tôi mới nhìn thấy rõ một tốp 2 chiếc F4, lập tức tôi ép vào đến cự ly cho phép nổ súng rồi ấn nút phóng tên lửa. Nhưng máy bay địch bỗng vòng trái, sau đó lại vòng phải và tên lửa đã bay trượt mục tiêu. Điên tiết, tôi ép sát hơn vào máy bay địch và nhấn nút quả tên lửa còn lại”, ông kể.
Ông bảo theo lý thuyết, cự ly bắn tên lửa phải trên 5 km “để còn thoát ly máy bay cho an toàn”, nhưng lúc ấy ông chỉ còn cách máy bay Mỹ khoảng chừng trên 500 mét thôi. Nhìn phía trước ông thấy máy bay địch bùng cháy thành một quả cầu lửa to, quá gần không kịp tránh nên ông đành cho máy bay chui tọt vào vùng nổ. “Lúc ấy, nếu có tránh cũng không thể tránh được”, ông nói.
Ông kể lúc cho máy bay “chui vào vùng nổ”, ông đang tăng lực, tốc độ máy bay rất nhanh. Thế mà khi ra khỏi vùng nổ, máy bay im re, động cơ không còn hoạt động trong khi bầu trời thì tối sẫm lại, ông chẳng nhìn thấy gì. Ngay sau đó, ông bình tĩnh thực hiện đầy đủ quy trình mở máy lại trên không. Trong tích tắc, động cơ máy bay đã làm việc trở lại. Nhìn qua cửa buồng lái, ông chỉ thấy một màu mờ mờ nên vội vã bật ra đa, trở về sân bay và xin phép hạ cánh. Lúc đó phía mặt đất hỏi ngược lên: “Anh là ai?”, “Anh từ đâu đến?”, “Anh số hiệu bao nhiêu?”. Ông chỉ trả lời: “Cứ cho tôi hạ cánh!”. Mặt đất hỏi: “Trên máy bay có ai không?”. Ông đáp: “Không”.
Đang là sinh viên Bách khoa, năm 1965, Nguyễn Tiến Sâm tình nguyện nhập ngũ rồi được chọn qua Liên Xô học lái máy bay MIG 21. Năm 1968, ông trở về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 921 và tham gia chiến đấu. Ông từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927 rồi Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 371, ông được phong anh hùng tháng 1.1973 với thành tích bắn rơi 5 máy bay F4 của Mỹ. |
Khi ông đã hạ cánh an toàn, anh em thợ máy tiếp cận vẫn chưa biết máy bay của ai. Đến lúc ông mở cửa bước ra, mọi người cười lăn quay. Do chui vào vùng nổ nên từ đầu đến đuôi máy bay đã được “sơn” lại bằng màu đen của khói và thuốc súng. Thợ máy sau đó đã kiểm tra và cho biết, máy bay không thể sử dụng được nữa, đành đưa vào xưởng đại tu toàn bộ.
Sau trận đánh ấy, ông bị phê bình vì chỉ huy cho rằng đánh gần như thế rất nguy hiểm đến tính mạng, việc ông thoát chết trận ấy là điều tưởng như không thể. Nhưng cũng chính do trận thắng ấy, ông được cấp trên đánh giá là một phi công trẻ dũng cảm.
Năm ấy ông chỉ mới 26 tuổi.
Phải diệt một chiếc mới về
Sau lần “sơn” máy bay đó, ông Sâm còn bắn rơi thêm 2 chiếc F4 nữa vào các ngày 14 và 22.7.1972. Cấp trên thấy ông đánh hăng quá nên “cất” không cho đánh nữa vì lo “tham quá sẽ có sai lầm nhất định”. Ông nói: “Kiểu như đá bóng ấy, nếu anh tỉnh táo thì chuyền bóng tốt, làm bàn tốt. Còn nếu anh cay cú ăn thua nhất định sẽ phạm lỗi và nhận thẻ đỏ”. Sau đó, do ông “đòi” quá nên lại được phân công trực chiến. Thế là vào tháng 9 và 10.1972, mỗi tháng ông lại bắn rơi thêm một chiếc F4 nữa.
|
Ông nhớ lại, tháng 10.1972, ông xuất kích gặp 8 chiếc F4 của Mỹ ở vùng Lục Ngạn. Phát hiện ra MIG 21 của ta, chúng bỏ chạy tán loạn, ông được lệnh quay về. Đang chuẩn bị hạ cánh xuống Nội Bài thì được lệnh của mặt đất kéo lên bay về Yên Bái hạ cánh nạp nhiên liệu rồi đi tiếp. Mới lên được vài trăm mét, ông lại được lệnh phải vứt thùng dầu phụ, kéo lên 6.000 mét và vòng phải. Lúc đó nhìn xuống độ cao chừng 4.000 mét, ông thấy một dãy máy bay Mỹ gồm 24 chiếc. Khi đó ông bay số 2, một phi công khác là đại đội trưởng bay số 1.
“Số 1 cũng chưa phát hiện địch thì tôi thông báo: Anh sang phải đi. Nhẹ nhàng hạ độ cao, thấy chưa? Số 1 đáp: Thấy rồi. Đang bay với tốc độ nhanh nên số 1 bay xuyên suốt từ đuôi đến đầu đoàn máy bay và nổ súng diệt gọn chiếc đi đầu. Thấy máy bay địch bốc cháy, số 1 ra lệnh: Cháy rồi, về thôi. Lúc ấy tôi nghĩ, phải diệt một chiếc mới về. Tôi ép vào, nhưng nghe mặt đất báo: Chú ý! Bên phải anh còn 4 chiếc nữa. Tôi hỏi: Ở độ cao bao nhiêu? Mặt đất thông báo: Hơn 6.000 mét. Nghe thế, tôi đang ở độ cao 4.000 mét phải rón rén, bay ngược lên, bám sát vào đuôi bọn chúng, cự ly lúc ấy khoảng 3 km, có thể nổ súng được nhưng tôi nghĩ còn xa quá, vào gần nữa, đến lúc cự ly chỉ còn 1,5 km, tôi nhấn tên lửa, cách nhau vài giây, 2 quả tên lửa được phóng đi. Sau khi quả thứ nhất chạm máy bay địch, nó nổ tung và khựng lại, ngay lúc đấy quả thứ 2 cũng lao vào và nổ tung như pháo hoa. Chiếc đó tôi bắn trên bầu trời Tuyên Quang. Trên đường về, tôi sướng quá cứ reo hò mãi”, ông hồn nhiên nhớ lại.
Tấn Tú
Bình luận (0)