Chuyện xảy ra vào một ngày cuối tháng 11.1996, khi ông Bill Clinton đến thủ đô Manila của Philippines để dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của APEC. Tại đây, ông có kế hoạch tới thăm một chính trị gia địa phương. Theo lộ trình được hoạch định trước, chiếc chuyên xa chở Tổng thống Mỹ và đoàn xe hộ tống sẽ đi qua một cây cầu ở trung tâm Manila.
Khi cuộc hành trình sắp sửa bắt đầu, các nhân viên mật vụ chợt nhận được một tin báo qua hệ thống liên lạc đặc biệt, cho biết bên tình báo vừa nghe trộm được thông tin rằng có một vụ tấn công khủng bố sắp sửa xảy ra. Mục tiêu chính là ông Clinton. Thông tin mà cơ quan tình báo nghe được và giải mã có chứa những từ như “cây cầu” và “đám cưới”. Theo cách hiểu của tình báo Mỹ thì “đám cưới” là một mật hiệu của khủng bố, có nghĩa là “ám sát”.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, mật vụ Mỹ đã đổi lộ trình. Lực lượng an ninh cũng đã tìm thấy một quả bom được cài dưới cây cầu mà đoàn xe của Nhà Trắng từng dự định đi qua. Các lực lượng Mỹ sau đó đã phối hợp điều tra và kết luận rằng âm mưu ám sát trên “do một kẻ khủng bố người Ả Rập Xê Út sống tại Afghanistan vạch ra; người này tên là Osama bin Laden”.
Lâu nay, một số thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda từng thừa nhận đã lên kế hoạch ám sát ông Clinton trong thập niên 1990. Báo Telegraph dẫn lời khai của Ramzi Yousef, một thành viên al-Qaeda bị bắt vào năm 1995, cho biết hắn ta từng lên kế hoạch ám sát ông Clinton vào năm 1994 nhưng không thành. Yousef chính là một trong những kẻ thực hiện vụ đánh bom dưới chân tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới ở New York hồi năm 1993. Khalid Sheikh Mohammed, một kẻ tự cho là “tổng đạo diễn” vụ 11.9.2001 và hiện đang bị Mỹ giam giữ, cũng cho biết từng lên kế hoạch giết ông Clinton khi Mohammed còn ở Philippines vào giữa thập niên 1990. Trong thời gian ông Clinton cầm quyền, al-Qaeda cũng bị cáo buộc là tác giả của một loạt vụ khủng bố nhằm vào cơ sở của Mỹ ở nước ngoài, như các vụ đánh bom vào đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya hồi năm 1998, cũng như vụ tàu khu trục USS Cole bị tấn công khi đang đậu ở Yemen hồi năm 2000. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa hề có bằng chứng nào cho thấy đích thân trùm khủng bố Osama bin Laden đã nhúng tay vào một âm mưu ám sát ông Bill Clinton cũng như không có thông tin về một vụ mưu sát “sát sườn” như vụ ở Manila.
Câu chuyện ở Hội nghị APEC năm 1996 nói trên được giáo sư luật Ken Gormley thuật lại trong cuốn sách Cái chết của phẩm hạnh Mỹ: Clinton đấu với Starr (The Death of American Virtue: Clinton vs Starr) sẽ xuất bản vào tháng 2.2010. Báo Telegraph dẫn lời ông Gormley cho biết chính Lewis Merletti, Giám đốc Mật vụ Mỹ giai đoạn 1997-1999, đã kể lại cho tác giả về vụ ám sát bất thành ở Manila. “m mưu ám sát bị hóa giải này chưa bao giờ được công bố. Nó vẫn là thông tin tối mật chỉ được một số thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ biết tới”.
Vào dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC 1996, báo chí có đưa tin về việc phát hiện hai quả bom, một quả được cài ở sân bay Manila và một quả tại địa điểm diễn ra hội nghị. Mục đích các vụ cài bom này được cho là nhằm phá hội nghị, làm giảm uy tín Chính phủ Philippines. Tuyệt không có thông tin về một quả bom được cài dưới cầu, chứ đừng nói đến một âm mưu ám sát nhằm vào nguyên thủ Mỹ.
Cuốn Cái chết của phẩm hạnh Mỹ: Clinton đấu với Starr, với nội dung chính kể về nỗ lực của luật sư Ken Starr trong việc đưa ra ánh sáng vụ ngoại tình giữa ông Bill Clinton với cô Monica Lewinsky, đã tiết lộ nhiều chi tiết được cho là “lần đầu được biết đến” về nhân vật đã lãnh đạo nước Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ ở thập niên 1990. Sách sẽ được phát hành vào tháng 2.2010 nên việc tác giả Gormley tiết lộ một vài thông tin giật gân như vụ ám sát hụt ở Manila chắc chắn nhằm tạo sự chú ý đối với độc giả. Đây là một chiêu thức tiếp thị phổ biến.
Nhưng bàn về mục đích tiếp thị của giáo sư Gormley không quan trọng bằng việc tìm hiểu tính xác thực của thông tin về vụ ám sát hụt nhằm vào ông Clinton. Đến nay thì Cơ quan Mật vụ, ông Bill Clinton cũng như ông Lewis Merletti chưa bình luận gì về câu chuyện trong cuốn Cái chết của phẩm hạnh Mỹ: Clinton đấu với Starr nên khó biết được thông tin này xác thực tới đâu. Có điều khó hiểu là trong suốt những năm sau Hội nghị APEC 1996, Chính phủ Mỹ đã không bao giờ đề cập đến vụ ám sát hụt nói trên. Ngay khi cần công bố bằng chứng cho tội ác của al-Qaeda để tạo dư luận thuận lợi cho việc thực hiện các vụ nã tên lửa vào căn cứ khủng bố ở nước ngoài thì Nhà Trắng cũng không đề cập tới “câu chuyện Manila”. Đấy chính là những điểm gây nghi ngờ. Tuy nhiên, cũng khó có khả năng giáo sư Gormley dựng lên một câu chuyện để bán sách bởi có nhiều người liên quan đến vụ việc vẫn còn sống.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)