Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Những pháp bảo vô giá tại chùa Trúc Lâm

25/12/2009 02:15 GMT+7

Một bản kinh Kim Cương (còn gọi Kim Cang) được thêu cách đây 209 năm, chiếc lư bằng sứ thời hậu Lê và chiếc bình bát chu sa của hòa thượng Thạch Liêm, sau khi di chuyển qua nhiều chặng đường đã dừng chân tại chùa Trúc Lâm (TP Huế). Nghe đọc bài

Bản kinh Kim Cang thêu tay kỷ lục

Chùa Trúc Lâm là một trong những ngôi chùa xuất hiện muộn ở cố đô Huế. Chùa do sư bà Diên Trường khởi công xây dựng vào năm 1902, đến năm 1903 thì hoàn thành và mời hòa thượng Giác Tiên từ chùa Tây Thiên qua làm trụ trì, đứng tên làm tổ khai sơn. Đây là ngôi chùa không lớn lắm, nằm khuất trong vùng núi Cầu Lim thuộc xã Thủy Xuân, TP Huế. 

Đại đức Thích Trí Năng, ủy viên Ban Văn hóa Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế, người có nhiều nghiên cứu về cổ vật chùa Huế, cho biết, chùa Trúc Lâm tuy ra đời muộn nhưng do các hòa thượng trụ trì đều là những danh tăng nổi tiếng của Huế, nên ngôi chùa đã trở thành nơi hội tụ của những pháp bảo vô giá, có giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Một trong những bảo vật quý của chùa là bộ kinh Kim Cang có từ thời Tây Sơn đến nay vẫn còn được bảo quản cẩn mật như pháp bảo của chùa.

Bình bát chu sa của hòa thượng Thạch Liêm    

Bộ kinh được thêu bằng chỉ ngũ sắc gấm trên nền gấm lót nhiễu điều từ thời Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn), được đánh giá là bộ kinh thêu dài nhất VN. Toàn bộ bản kinh dài 4,47m, rộng 23,4 cm, số lượng chữ được thêu khoảng chừng gần 7.000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hòm gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp dài 29 cm, rộng 10 cm, cao 7,7 cm. Bộ kinh thêu nguyên văn bản kinh Kim Cương nổi tiếng trong tạng kinh Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh nội dung chính của bản kinh, tác phẩm còn có phần lạc khoản thêu hai bài tựa Ngự chế và Hậu bạt.

Theo bài Hậu bạt của bản kinh, công trình thêu tay này được hoàn thành ngày mồng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (tức ngày 16.12.1800), do Tỳ kheo ni Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn, tức chùa Thầy (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) thực hiện. Việc thêu bản kinh Kim Cang trên là để cung tiến Nguyễn Tướng Công tự Di Lạc (tức Nguyễn Gia Ngô, bố Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc); gấm nhiễu điều và chỉ ngũ sắc là do Nguyễn Thị Định, hiệu Thiện Trung cùng con gái là Nguyễn Thị Hòa, hiệu Thiện Tài và con rể là Phan Huy Thực đóng góp.

Năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục VN đã công nhận kỷ lục cho bộ kinh Kim Cang là bộ kinh Phật thêu tay cổ trên lụa dài nhất VN.

Theo đại đức Thích Trí Năng, hành trình từ Bắc Hà vào Huế rồi đến chùa Trúc Lâm của bản kinh chỉ được các vị thiền tăng kể lại vắn tắt: Năm 1801, nhà Nguyễn đánh ra Bắc, tiêu diệt Tây Sơn đã phát hiện bộ kinh và tịch thu đem về Huế thờ trong Khương Ninh Các (một ngôi chùa dành cho những cung nữ khi về già tụng kinh, niệm Phật thuộc phạm vi cung Diên Thọ trong Đại nội Huế). Đến đời vua Khải Định (1916-1924), hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) ra Huế dạy Phật pháp tại chùa Tây Thiên nghe được liền cho các đệ tử tăng ni sinh dò tìm. Sư bà Diệu Không ở chùa Hồng n (Huế) lần ra tung tích và mua về với giá 250 đồng (tương đương với 7 lượng vàng lúc bấy giờ) kể cả bản kinh và chiếc hộp trầm hương. Sau đó, hòa thượng Giác Nhiên nhận bảo quản ở chùa Tây Thiên, đến năm 1943, do chùa Tây Thiên bị mất cắp một số pháp bảo quý, nên hòa thượng Giác Nhiên đem sang giao cho hòa thượng Mật Hiển ở chùa Trúc Lâm gìn giữ, và cho đến nay, bản kinh vẫn còn được bảo lưu rất tốt, còn nguyên trạng và được quý thầy ở chùa Trúc Lâm cất giữ rất cẩn mật.

Những pháp bảo vô giá

Lư hương thời nhà Lê

Ngoài bản kinh Kim Cang thêu tay kỷ lục, chùa Trúc Lâm còn có nhiều pháp bảo vô giá khác như chiếc lư bằng gốm sứ có tráng men màu, thời hậu Lê. Lư gồm hai tầng, đường nét, họa tiết hình rồng, các hàng chữ rất đẹp, rất công phu, xung quanh chạy hàng chữ nổi “Từ Sơn phủ, Đông Ngàn huyện, Bảo Sơn tự, Lê triều Long Hưng Chính Hòa”. Theo lịch sử, Chính Hòa là niên hiệu của vua Lê Hy Tông (1680 - 1704), tương ứng với thời các chúa Nguyễn ở Đàng trong như Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu.

Theo quý thầy trong chùa cho biết, chiếc lư do Thượng thư Hồ Đắc Trung - bố của sư bà Diệu Không, đem từ Thanh Hóa vào dâng cúng cho chùa. Nhưng theo dòng chữ trên chiếc lư thì đây là tự khí của chùa Bảo Sơn ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy, hành trình di chuyển của chiếc lư từ Bắc Ninh, rồi đến Thanh Hóa như thế nào đến nay vẫn chưa sáng tỏ. Có thể nó cũng có chung hành trình với bản kinh Kim Cang, tức theo chân các quan binh nhà Nguyễn trên hành trình chinh phạt Tây Sơn, ở phía Bắc, tịch thu mang về triều đình Huế. Hiện chiếc lư đang được chùa Trúc Lâm dùng để xông trầm.

Một pháp bảo vô giá khác là chiếc bình bát bằng chu sa, chiếc muỗng gỗ và bức tiếu tượng của hòa thượng Thạch Liêm - tác giả bộ sách quý Hải ngoại kỷ sự, mà chùa Trúc Lâm đang sở hữu cũng được đánh giá rất cao.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.