Chúng tôi đến gặp đại tá anh hùng Lâm Văn Lích - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 923, nguyên Hiệu trưởng trường Không quân 910, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung cao Không quân - tại nhà riêng ở Q.5, TP.HCM. Đã bước vào tuổi 78, trông ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, chỉ hơi bị nặng tai. Kể cho chúng tôi nghe chuyện chiến đấu ngày xưa, ông như trẻ lại, sôi nổi hẳn lên.
Ông kể, từ ngày thành lập đến lúc đó, không quân tiêm kích của ta chưa có lực lượng bay đêm. Đánh ban đêm là khó nhất. Ác cái là ở thời điểm đó, máy bay Mỹ đánh cả ngày lẫn đêm. Ban ngày thì không quân ta xuất kích ngăn chặn, ban đêm thì chỉ có lưới lửa phòng không. Trước tình hình đó, lúc ấy ông đang là Chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921 đứng ra tự huấn luyện. Cả Trung đoàn 921 lúc bấy giờ, cũng chỉ có 2 người có thể đảm đương nhiệm vụ trực chiến ban đêm là ông và phi công Cao Thanh Tịnh.
Ông bồi hồi nhớ lại: “Đó là đêm 3.2.1966. Cũng như bao đêm khác, tôi và anh Tịnh trực chiến. Tôi chính thức, anh Tịnh dự bị. Lạ lắm, hồi đó chúng tôi giành nhau đi chiến đấu. Đêm hôm đó, tôi đã ngồi trực trên máy bay 2 giờ đồng hồ. Anh Tịnh sợ tôi mệt nên đòi lên trực thay tôi. Tôi cự lại, thay trực thì phải do chỉ huy quyết định chứ. Thế mà ảnh cự nự, cằn nhằn tôi.
Khi cất cánh lên trời rồi, tôi thấy vô cùng yên tĩnh. Để đảm bảo bí mật nên tạm ngưng liên lạc với mặt đất, ra-đa trên máy bay cũng tắt nên rất thèm nghe một tiếng nói. Trước đây đánh ban ngày, tôi đã bắn rơi được 2 máy bay F4. Bây giờ là lần đầu tiên đánh đêm. Tôi biết rằng, anh em ở mặt đất đang theo dõi tôi, hy vọng vào tôi rất nhiều.
Đang bay, bỗng tôi nghe tiếng nói từ mặt đất: “Chú ý. Phía trước 8 km có địch”. Bật ra-đa lên thì quả thật có máy bay địch ở phía trước. Tôi tăng hết tốc lực đuổi theo, khi chỉ còn 2.000 mét, tôi chuyển từ ra-đa nhìn vòng sang ra-đa bám sát. Để bắn trúng mục tiêu, tôi quyết định tiếp cận gần hơn nên từ 800 mét, tôi đến chỉ còn 400 mét và chuẩn bị bóp cò... Đột nhiên ngay lúc ấy, máy bay của tôi đảo vòng, không thể bắn được và mục tiêu trên ra-đa cũng biến mất. Tôi không thể lý giải được.
Đang bối rối thì tín hiệu trên máy bay của tôi cảnh báo sắp có va chạm với máy bay trên không. Rất nhanh tôi tăng tốc và nghĩ sẽ tiêu diệt máy bay địch bằng cách đâm thẳng vào.
Đã sẵn sàng hy sinh, nhưng lao mãi mà vẫn không thấy trúng mục tiêu, tôi vội nhìn ra bên ngoài thì phát hiện máy bay địch đang lù lù bay phía dưới cánh tôi khoảng 8 mét. Ban đầu, tôi định cho máy bay đâm vào cánh máy bay địch và nhảy dù nhưng sau đó tôi quyết định giảm tốc độ để dùng súng tiêu diệt. Nghĩ là làm, tôi cho máy bay lùi xuống ngang tầm và giữ khoảng cách với máy bay địch chỉ hơn 10m vì sợ mất mục tiêu như lần trước.
|
Tôi đưa tay vào cò súng thì đột nhiên máy bay mất điều khiển, chao đảo lật nhào và rơi xuống. Tưởng bị bắn rơi nhưng không phải, do bám quá gần, máy bay tôi bị luồng khí phản lực của máy bay địch thổi chính diện nên chao đảo. Khi rơi xuống ở độ cao 4.000 mét, bất chợt tôi lại điều khiển máy bay được. Kiên quyết truy đuổi địch, tôi lấy độ cao và đi tìm chiếc máy bay lúc nãy. Nhìn màn hình ra-đa, tôi thấy không phải tín hiệu của 1 máy bay địch mà lại là 2. Khi đến gần, tôi như reo lên vì sung sướng khi thấy 2 chiếc máy bay địch mở tín hiệu đèn nhấp nháy, có lẽ chúng sợ sẽ va chạm vào nhau. Lần này khoảng cách chỉ còn 600 mét, tôi chọn chiếc đang bay bên trái và nhấn cò súng. Tôi thấy rõ luồng đạn đỏ rực từ máy bay mình xé màn đêm cắm vào thân máy bay địch, nó chao đảo và bùng cháy. Ngay lúc đó, chiếc máy bay còn lại mở hết tốc lực để chạy. Không chần chừ, vừa tăng tốc, tôi vừa đưa mục tiêu vào vòng ngắm và siết cò súng một lần nữa, chiếc thứ 2 cháy bùng lên. Cả 2 chiếc tôi bắn hạ chỉ trong 1 phút...”.
Tôi hỏi: “Cảm giác của ông lúc đó thế nào?”. Ông nói: “Tôi sướng lắm. Ngay lúc đó, chỉ huy mặt đất thông báo cho tôi có máy bay địch đang đuổi theo, thế mà tôi cố bay 1 vòng nữa để ngắm cho thỏa cảnh 2 chiếc máy bay như 2 bó đuốc sáng rực đang lả tả rơi xuống...”.
Ông kể tiếp, mãi đến khi mặt đất báo lại lần thứ 2 là có địch đang bám theo, yêu cầu bay về phía trận địa tên lửa phòng không của ta để được hỗ trợ, bảo vệ thì ông mới tăng tốc thoát ly bay về. “Tôi vừa bay qua trận địa, từng loạt đạn phòng không bắn chặn máy bay địch lao vút lên bầu trời. Tôi trở lại căn cứ trong niềm hân hoan của đồng đội. Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân lúc ấy là đại tá Đặng Tính đã ôm chầm tôi chúc mừng. Trước đó ít phút, đài quan sát của ta ở Hòa Bình báo về đã có 2 chiếc máy bay A1 của Mỹ vừa rơi...”.
Tấn Tú
Bình luận (0)