Ngày hội Guinness

26/12/2009 10:00 GMT+7

(TNTT>) Guinness là sách kỷ lục thế giới, nhưng cuộc gặp gỡ hằng năm của những người giữ kỷ lục này tự thân nó cũng là một kỷ lục.

Trong dòng người xếp hàng chờ tiến vào phòng khánh tiết Lord’s Cricket Ground của London (Anh) có một nhân vật cố chen đứng phía trước nhưng vẫn bị mọi người đẩy ra sau. Lý do dễ hiểu: anh cao trên 2m khiến những người đứng chung quanh giống như những chú lùn trong truyện cổ tích.

Giữa sảnh rộng, ánh đèn flash nháy liên tục. Gần 40 con người vừa đàn ông, đàn bà, trẻ em, đại diện cho những nhà vô địch về đủ loại tài năng cũng như sức chịu đựng trong thế giới Guinness, hội tụ lại trong ngày ra mắt quyển sách kỷ lục thế giới độc đáo này vào dịp Giáng sinh mỗi năm.

Ngày hội của những siêu nhân 

Ai rành theo dõi sách Guinness có thể tự điểm mặt được những tên tuổi đã vang danh thế giới ở đây. Đứng dựa quầy pha cocktail, tay nhịp ngón trên bàn là anh chàng giải nhanh nhất các ô chữ trên tờ Times. Cạnh bên là người lật trở bánh kếp tốc độ thế giới. Cậu trai tuổi teen phía chậu hoa lớn từng là đứa bé sinh thiếu nhiều tháng nhất.

 
Một buổi kiểm tra kỷ lục Guinness

Rôm rả hai ba tay đang trò chuyện là chàng sinh viên tốt nghiệp đại học trẻ nhất, bác thợ xây nhanh tay nhất và “chú cá người” trốn dưới nước ở độ sâu nhất. Mọi người nâng cốc chúc mừng thăm hỏi và trao đổi nhau đủ thứ chuyện. Chuyện kỷ lục, chuyện xoay xở vốn để thực hiện kỳ tích, những vui buồn thành công thất bại ở những lần thử sức… thi nhau nổ ra.

Chỉ đến khi tiếng loa vang lên giọng của M.C điều hành chương trình họp mặt, không khí mới tạm lắng xuống. Vẫn như truyền thống,  tập thể các “siêu nhân” sẽ được chứng kiến màn biểu diễn lập hay phá kỷ lục của ai đó đã được chuẩn bị sẵn như một tiết mục giúp vui ngày đặc biệt.

Có thể đó là nỗ lực lật trở bánh kếp xem được bao nhiêu cái trong một phút. Hoặc giả là cuộc đấu trí hấp dẫn về khả năng nhớ của các cặp kỷ lục gia chung hạng mục dùng khả năng kỳ lạ của bộ nhớ. Chẳng hạn người nhớ số pi đến 20.013 đơn vị lẻ sẽ tranh tài với người có khả năng nhớ thứ tự của cả bộ bài sau 55 giây. Ai thắng sẽ không phải là một kỷ lục mới, nhưng đủ tạo cho không khí khán phòng thêm sôi động hào hứng.

 

Kỷ lục cao, thấp nhất của Guinness

Chứng kiến các cuộc đấu trí hữu nghị như thế nếu ai tinh ý sẽ nhận ra đang có sự chuyển biến từ các kỷ lục thể thao nghiêm túc sang các kỷ lục nhỏ nhặt tầm thường được nỗ lực thực hiện đều đặn khắp thế giới nhờ dòng điện kích thích của sách Guinness.

Theo thống kê, dân California (Mỹ) và người Úc là những kẻ cần cù chịu khó phá kỷ lục nhất. Khó mà đánh giá cả tập thể là khờ khạo, điên rồ hay huyễn hoặc khi cố gắng cùng đan cho được tấm chắn rộng nhất thế giới, sắp đặt khu vực nghe nhạc có số ghế nhiều nhất hay xếp các đồng tiền thành hàng dài nhất hành tinh.

Để tạo ra các kỷ lục không giống ai như thế, tác giả phải tìm cho được nguồn tài trợ, thuyết phục nhiều người tình nguyện tham gia rồi còn phải cất công kiếm đầu ra… tặng sản phẩm bất hủ của mình nữa chứ. Chỉ riêng chuyện được tụ lại hợp tác với nhau đã là một niềm vui lớn, còn đạt kỷ lục lại là một chuyện khác.

Guinness, một cộng đồng mới

Thành công luôn đã có sẵn niềm vui còn thất bại dĩ nhiên chẳng thể không buồn. Chỉ một cơn mưa bất chợt cũng đủ khiến kỷ lục xếp ghế mời khán giả đến dự đông nhất cho một buổi hòa nhạc bị thất bại. Đó là trường hợp của anh chàng Andy Ferrier người xứ Wales 16 năm trước. Đâu phải ai cũng may mắn được cơn mưa tạnh kịp để kỷ lục xếp hàng tiền xu dài đến 28 dặm được ghi nhận đúng kế hoạch như bà Mc Swiney đề ra, một sự kiện có sự đóng góp của rất nhiều đại gia đình thị dân và cả… cảnh sát.

Trong các buổi họp mặt kỳ nhân Guinness thường không thể thiếu Ashrita Furman, “kỷ lục gia của các kỷ lục”. Ông đang giữ nhiều kỷ lục Guinness nhất, như đội chai sữa thăng bằng trên đầu sải bộ liên tục 61 dặm, đi cà kheo suốt 15 dặm, lăn mình lâu 12 dặm, lắc vòng dưới nước... 103 kỷ lục Furman giữ đã bắt đầu từ 25 năm trước.

Động cơ? Muốn thách thức bản thân, tìm cho mình sự tự tin và tự trọng, không dính dáng yếu tố đồng tiền, danh vị. Mấy năm gần đây còn có thêm sự góp mặt của những “nhân tài” trong các hạng mục đặc biệt hiện đại như chơi trò điện tử lâu nhất, hát karaoke “dai” nhất...

Dĩ nhiên những quái kiệt như cô gái có vòng “khủng” nhất thế giới sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Còn có điều hơi lạ nữa, hầu như trong các lần tụ hội hằng năm ấy người ta hiếm thấy các kỷ lục gia về “ăn khỏe, uống khỏe” tham dự. Có lẽ họ nghĩ chuyện ăn uống “phàm phu tục tử” có gì để đáng khoe, dù vẫn được gửi thiệp mời.

Dẫu bây giờ Guinness đã có khá nhiều bảo tàng viện trên thế giới, các cuộc họp mặt nhân mỗi lần phát hành sách Guinness mới vẫn là dấu ấn truyền thống. Có chúng các kỷ lục gia lại có thêm chuyện để tán về các bộ sưu tập lạ mà họ đã có dịp tham quan.

Truyện kể sẽ là những pho tượng người cao, thấp nhất, những đoạn video clip ghi lại cảnh phá một kỷ lục, hình ảnh của các kỷ lục thiên nhiên mới hay thuần túy là các “đạo cụ” tạo kỷ lục vài chục năm trước được lưu giữ. Có chúng họ có thể tranh luận về các kỷ lục chưa bị phá hoặc không thể phá nổi.

Cũng không thiếu những tư liệu về các tai nạn hy hữu xảy ra khi người ta cố muốn tạo kỷ lục. Năm 2006, ngày hội đáng nhớ này đã được Guinness tổ chức phiên bản đặc biệt với 100.000 người hội tụ cùng lúc ở 10 quốc gia để trở thành kỷ lục mới, “Sự kiện quốc tế lớn nhất thế giới”.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên 1955, Guinness luôn là cuốn sách bán chạy nhất thế giới, ra mắt đúng dịp Noel, đồng thời cũng là tác phẩm giấy bị “chôm chỉa” nhiều nhất ở các thư viện. Tổng lượng phát hành trên toàn cầu qua nhiều lần xuất bản bằng 40 thứ tiếng đã vượt qua con số 120 triệu bản, và tương lai xem chừng nó vẫn còn giữ kỷ lục số 1 này.

- Tháng 8 năm 1955 sách kỷ lục Guinness đầu tiên ra đời gồm 197 trang xuất phát từ ý tưởng của Sir Hugh Beaver, ông chủ hãng bia Guinness của Ireland. Năm sau sách phát hành ở Mỹ, bán hơn 70.000 bản.

- Trụ sở chính của Guinness World Records hiện nay ở London, Anh và Viện bảo tàng chính của Guinness ở Orlando, Florida, Mỹ

- Năm 2005, Guinness chọn ngày 9.11 là Ngày kỷ lục thế giới Guinness quốc tế (International Guinness World Records Day ) để khuyến khích người ta phá kỷ lục.

- Tháng 2 năm 2008, kênh NBC phát sóng chương trình Top 100 kỷ lục Guinness mọi thời đại.

La nghi (Theo Science et Vie)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.