Với hơn 20.000 tù nhân, nhà tù New Bilibid xây dựng năm 1936 và đưa vào sử dụng năm 1940 ở thị trấn Muntinlupa, Philippines, cách thủ đô Manila vài cây số, chứa gần 1/3 tổng số tù nhân của cả nước. Ở đây chỉ giam những tội phạm nguy hiểm nhất thụ án từ 20 năm tù trở lên về tội giết người, hiếp dâm, cướp ngân hàng, buôn lậu ma túy v.v... và những kẻ tái phạm các tội này.
Một nhà tù, nhiều màu áo
Ở New Bilibid có ba màu áo tù. Màu nâu hạt dẻ dành cho những tù nhân chỉ còn dưới 5 năm tù. Họ được hoàn toàn tự do di chuyển giữa các trại giam, làm việc kiếm sống từ 6 giờ đến 18 giờ. Ban đêm, họ phải trở về buồng giam.
Màu xanh dành cho những người còn ở từ 5 đến 20 năm tù. Họ bị hạn chế hơn trong việc đi lại so với những người tù mặc áo nâu. Và cuối cùng, màu cam dành cho những người tù chung thân. Những người này không được ra khỏi khu vực biệt giam - còn gọi là khu vực Maximum – nằm ở trung tâm New Bilibid. Khu vực này có hai lớp hàng rào an ninh với hai cửa ra vào có lính gác.
Tuy nhiên, chuyện vào khu vực Maximum không có gì là quá khó. Khách chỉ bị khám qua loa, sau khi để lại cuốn hộ chiếu ở cửa an ninh đầu tiên.
Trong nhà tù New Bilibid rộng 10 ha với 13 trại giam nằm trong một khuôn viên rộng 551 ha, số tù nhân mặc áo nâu càng ngày càng tăng theo năm tháng vì đã ở lâu hoặc có hạnh kiểm tốt.
Ngoài khu vực Maximum, New Bilibid giống như một thị trấn nhỏ với những con đường sầm uất đầy quầy tạp hóa nhỏ, tiệm bán DVD lậu, tiệm giày, tiệm cắt tóc, tiệm bán hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất tại chỗ v.v... Ngoài ra, còn có một chợ nhỏ với các gian hàng bán thịt cá, trái cây, rau cải được chở hằng ngày từ bên ngoài vào.
Nhà tù New Bilibid chỉ có 143 người gác tù nhưng phần lớn thời gian họ luẩn quẩn ở gần cổng ra vào. Việc bảo đảm an ninh trật tự, do thiếu phương tiện và tiền bạc, giám đốc nhà tù giao cho những người tù.
Luật của băng đảng
Tháng 10 vừa qua, một nhóm phóng viên tạp chí Pháp Enfants du Mekong (Những người con của sông Mekong) đã đến thăm nhà tù New Bilibid. Cảm tưởng đầu tiên của họ là New Bilibid không giống chút nào nhà tù Pháp. Ví dụ, tù nhân gặp vợ con ở đại sảnh nhà tù. Họ hòa quyện với nhau trong tiếng cười vui vẻ.
Ngạc nhiên, phóng viên hỏi Tessy, một phụ nữ 55 tuổi có chồng bi kêu án tù chung thân vì liên quan đến vụ ám sát ông Ninoy Aquino, chồng cựu tổng thống Aquino, hồi năm 1983: “Những người tù không bị nhốt trong buồng giam có phải vì họ không còn nguy hiểm hay những người quản tù sẵn sàng can thiệp nếu họ làm bậy?”. Bà Tessy mỉm cười: “Ở đây không có người quản tù. Nếu có chuyện gì xảy ra sẽ có các băng đảng xử lý”.
New Bilibid có tất cả 12 băng đảng. Thủ lĩnh mỗi băng do tù nhân bầu lên và chịu trách nhiệm về an ninh trật tự trước ban giám đốc nhà tù. Mỗi băng có trại giam, luật lệ và quy tắc riêng. Các thành viên của mỗi băng phải xăm tên băng mình trên lưng. Tên tù nhân và tên băng đảng cũng được ghi trong hồ sơ cá nhân. Quyền uy của thủ lĩnh là tối thượng.
Mario Reyes, thủ lĩnh băng Bantay Cebu, đã ở New Bilibid 14 năm về tội trộm cướp nghiêm trọng, cho biết: “Khi một thành viên của chúng tôi vi phạm nội quy, họ sẽ bị cách ly ngay. Nếu là tội nặng họ sẽ bị trừng phạt đích đáng”. Tạp chí Courrier International dẫn lời một thủ lĩnh băng khác cho biết: “Một buổi sáng đẹp trời nào đó, kẻ phạm tội có thể chết bất đắc kỳ tử với lý do đang ngủ trên giường té xuống đất gãy cổ”.
Nhờ thường xuyên gặp vợ
Chia sẻ quyền lực cho các băng đảng bằng một thỏa thuận ngầm, chính quyền được nhiều cái lợi mà lớn nhất là trật tự an ninh được bảo đảm khá tốt. Trong hoàn cảnh nhà tù bị quá tải (5.000 chỗ cho hơn 20.000 người) và ngân sách rót xuống quá hẻo (30 peso/người/ ngày, tương đương 11.540 đồng) nếu không nhờ các băng đảng tổ chức tự quản thì chắc chắn đã có nổi loạn.
Hiện nay, tình hình an ninh ở New Bilibid khá ổn. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có những vụ ẩu đả đẫm máu giữa các băng đảng. Tuy vậy, với tình trạng quá tải và tù nhân toàn là thứ dữ, tỉ lệ phạm tội ở New Bilibid thấp một cách bất ngờ. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Philippines, trong số 56 người chết của cả năm 2008, chỉ có 3 người chết vì bị bắn và một người chết vì bị chém.
Đằng sau thành quả kể trên, theo ban giám đốc New Bilibid, có phần đóng góp của một cuộc cách mạng nho nhỏ. Kể từ năm 2001, nhà tù cho phép tù nhân đoàn tụ với vợ 24 giờ vào ngày thứ bảy hằng tuần. Emile Leclercq, một tù nhân Hà Lan 73 tuổi, ở tù về tội gian lận tài chính, giải thích: “Khi tôi mới vào đây, các băng đảng choảng nhau đẫm máu gần như cơm bữa. Một khi đàn ông thiếu thốn tình dục, họ dễ nổi nóng và sẵn sàng sử dụng bạo lực. Nhưng từ khi được phép gặp vợ thường xuyên, họ ít đánh nhau. New Bilibid trở thành một nơi an bình”.
Theo Văn Anh / Người Lao Động
Bình luận (0)