Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 6: “Nhử mồi” trong không chiến

26/12/2009 22:44 GMT+7

Trong thế chiến thứ 2, các phi công Liên Xô đã nhiều lần áp dụng chiến thuật “nhử mồi” trong không chiến. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng với loại máy bay dùng súng bắn thẳng. Còn ở Việt Nam, có một phi công áp dụng chiến thuật “nhử mồi” đối phó với loại máy bay hiện đại cùng tên lửa tự dẫn, đó là anh hùng phi công Lê Hải.

Những tháng cuối năm 1967, TP Hải Phòng liên tục bị địch đánh phá, phong tỏa cảng. Hàng mấy chục chiếc tàu thủy vào cảng nằm chết dí ở đó không rời bến được do thủy lôi của địch rải đầy.

Ngồi kể lại với chúng tôi về câu chuyện “nhử mồi” không kích cách đây hơn 40 năm, đại tá Lê Hải sôi nổi:

“Sáng ngày 19.11.1967, biên đội chúng tôi gồm Hồ Văn Quỳ (số 1), Lê Hải (số 2) Nguyễn Đình Phúc (số 3) và Nguyễn Phi Hùng (số 4) được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến sân bay Kiến An, bay ở độ cao 500 mét, bí mật không dùng vô tuyến điện. Đến nơi, biên đội kéo dài cự ly, từng chiếc hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An.

Đúng 10 giờ 40 phút, chúng tôi được lệnh xuất kích. Sau khi biên đội cất cánh, máy bay số 1 của anh Quỳ bị hỏng vô tuyến điện. Sở chỉ huy gọi mấy lần mà vẫn không nghe anh Quỳ trả lời. Địch từ ngoài biển đang bay vào rất đông. Sở chỉ huy thông báo quyết định tôi lên làm số 1 dẫn đội. Tôi lắc cánh báo cho anh Quỳ biết và tăng ga bay vọt lên trước dẫn cả biên đội. Tôi vừa cải hướng vừa lấy tiếp độ cao lên 2.500 mét. Bầu trời Hải Phòng có độ 3-4 phần mây, tầm nhìn rất tốt.

Sở chỉ huy tiếp tục thông báo địch bay theo đội hình kéo dài, có 6 chiếc F-4 đi đầu, phía sau F-4 có 20 chiếc A-4 mang bom.

Tôi dẫn biên đội lấy thêm độ cao lên 3.000 mét. Triển khai đội hình chiến đấu và bay về hướng bầu trời Đồ Sơn. Tôi thông báo đã phát hiện địch, xin phép sở chỉ huy cho đánh. Sau khi nhận được lệnh đánh, tôi lệnh cho số 3 và số 4 chặn đánh tốp địch bay sau cùng, tôi và anh Quỳ đánh tốp bay đầu tiên.

Biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng lực. Lúc này máy bay của tôi đã đạt tốc độ 850 km/giờ, độ cao gần bằng độ cao máy bay địch. Vừa nhìn thấy máy bay MiG, biên đội F-4 của địch vòng bay ra biển. Lợi dụng lúc chiếc  F-4 ép độ nghiêng, tôi nghĩ, nếu cứ cắt bán kính, vòng ngay vào bên trong để rút ngắn cự ly công kích, như cách đánh thông thường, địch sẽ phát hiện ta sớm và cơ động mất. Tôi quyết định tấn công tốp F-4 đi đầu. Tôi tiếp cận đến cự ly nổ súng bằng cách chúi dưới bụng máy bay địch. Bị cánh chiếc F-4 che khuất tầm quan sát, nên tên địch không nhìn thấy tôi. Tôi thấy chiếc F-4 giảm độ nghiêng, lật trái, lật phải quan sát, ý chừng nó vừa thấy chiếc MiG -17 đây, lại đâu mất rồi!

Đến cự ly độ 400 mét, tôi nhìn rất rõ chiếc F-4, thấy luồng khói tăng lực đen sì phun ra từ đuôi nó. Tôi nhẩm trong miệng: Cự ly bắn được rồi. Tay lái khẽ nhích đầu máy bay ngóc lên đạt điểm ngắm lên giữa chiếc F-4 và bắn liền một loạt ngắn, đạn vạch đường thẳng băng, nhưng rất tiếc là đạn rơi sau đuôi chiếc F-4. Tôi liền kéo cần lái nâng lượng đón và bắn một loạt dài. Trúng rồi! Đạn vạch đường chùm lên lưng chiếc F-4. Nó xì khói đen trên lưng; tôi bắn thêm một loạt ngắn nữa, tất cả đạn trùm lên thân, lên cánh nó. Tôi thấy chiếc F-4 như dừng lại, có lẽ động cơ bị hỏng rồi. Trúng 2 loạt đạn, nhưng nó vẫn chưa bùng cháy. Máy bay tôi tiếp cận đến chiếc F-4 còn khoảng 150 mét nữa là hai máy bay có thể đâm vào nhau, nó vẫn còn bay.  Tôi bắn loạt cuối ở cự ly chỉ độ 30-40 mét. Tất cả đạn đều xuyên vào chiếc F-4.

Quá gần rồi, tôi chỉ còn kịp đẩy cần lái về trước chui qua bụng chiếc F-4, khói phủ đen buồng lái máy bay tôi. Chiếc F-4 giống như một cột khói đen ngòm, hai bánh lái đuôi của nó giống như hai tấm phản vút qua đầu tôi.

Tôi quay lại nhìn sau đuôi máy bay mình, thấy một chiếc F-4 đang bám theo, nhưng còn xa ngoài tầm của tên lửa “rắn đuôi kêu”. Đồng thời có một chiếc MiG-17 màu xám đang bám theo chiếc F-4 đó, nhưng cự ly còn xa, chưa thể xạ kích được. Đó là số 4 (Nguyễn Phi Hùng) bay chiếc MiG-17 sơn màu xám. Thế trận trở nên gây go. Ta và địch bám xen kẽ rất lợi hại. Thua, thắng nhau chỉ trong chớp mắt. Nếu tôi cơ động mạnh, thì chiếc F-4 kia sẽ không bám được tôi nhưng Hùng khó bề bắn được nó. Tôi liền nghĩ ra một kế mạo hiểm.

Tôi hô: “Hùng! Tao nhử mồi” và Hùng báo “rõ” ngay! Tôi liền giảm độ nghiêng, giảm bớt lượng kéo cần lái nhử cho tên địch thấy “dễ xơi” sẽ mê mải đuổi theo để bắn, chắc mẩm sẽ hạ  được chiếc MiG này. Tôi luôn luôn nhìn phía sau, vì với loại tên lửa “rắn đuôi kêu” có tốc độ nhanh gấp 3 lần tiếng động, ở cự ly khoảng 2.000 mét, chỉ chậm chân tay trong chớp mắt, tôi sẽ bị tan xác ngay với nó. Tên địch đang giảm độ nghiêng để ngắm bắn. Tôi cứ để yên cho nó bắn. Khi tôi thấy dưới cánh F-4 xì khói đen ra, nghĩa là tên lửa vừa khởi động động cơ chưa rời bệ phóng. Tôi lập tức tăng độ nghiêng, kéo mạnh cần lái, hai quả tên lửa địch vừa phóng ra, lập tức bay qua sau đuôi máy bay tôi.

Lại cái trò bay lơ lửng trước rủi ro, tôi tiếp tục làm động tác nhử mồi. Lần thứ 2, nó lại bắn, tôi cũng tránh được. Đến lần thứ 3, tên địch vừa chuẩn bị bắn, thì máy bay số 4 (Nguyễn Phi Hùng) cũng đã áp sát chiếc F-4, ở cự ly xạ kích tốt. Một loạt đạn ngắn, chỉ có 11 viên đạn của Phi Hùng trùm lên chiếc F-4 và nó bốc cháy bùng bùng.

Trận không chiến chỉ diễn ra trong 3 phút, biên đội chúng tôi đã hạ được 3 chiếc F-4 của không quân Mỹ. Đập tan đợt đánh phá của địch vào thành phố cảng, buộc các máy bay F-4 mang bom phải vứt bừa bãi ngoài mục tiêu, tháo chạy ra biển”.

Đại tá Lê Hải đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, gồm 4 chiếc F4, 1 chiếc F105 và 1 chiếc F8. Năm 1970 ông được phong tặng danh hiệu anh hùng. Ông nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 937 rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân tiêm kích 372. Ông là phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay chiến đấu SU 22. 

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.