Truyền thuyết kể rằng Tào Tháo đã cho xây 72 ngôi mộ để đánh lừa những kẻ săn mộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó là điều bịa đặt, phản ảnh mưu mẹo chính trị của Tào Tháo. Và bây giờ, họ đã có được bằng chứng đáng tin cậy để chứng minh cho luận điểm của mình. Ngày 27.12, các nhà khảo cổ Trung Quốc khẳng định đã tìm ra lăng mộ Tào Tháo tại một ngôi làng ở huyện An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, China Daily đưa tin hôm qua. “Việc khai quật được tiến hành gần một năm và chúng tôi đang tìm thêm bằng chứng. Nhưng dựa trên những gì có được, chúng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng lăng mộ này là của Tào Tháo”, China Daily dẫn lời một quan chức Phòng Bảo tồn di tích thuộc Cơ quan Quản lý di sản văn hóa quốc gia cho hay.
Lăng mộ này rộng 740m2, được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái trong lúc một số công nhân tại một lò nung gần đó đào đất để làm gạch. Việc phát hiện trên không được báo cáo và giới chức địa phương chỉ biết vụ việc khi họ tịch thu những tấm thẻ bài bằng đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”, tên gọi Tào Tháo sau khi qua đời, từ một nhóm người chuyên khai quật mộ trộm. Những người này khai rằng đã lấy cắp những tấm thẻ bài đó từ ngôi mộ trên, theo Ban quản lý Di tích văn hóa tỉnh Hà Nam.
Trong gần một năm, các nhà khảo cổ đã khai quật được 3 bộ xương người và hơn 250 di vật. Các bộ xương được xác định là của một người đàn ông khoảng 60 tuổi và của hai người phụ nữ, một người trong độ tuổi 50 và người còn lại từ 20 đến 25 tuổi. Giới chuyên gia cho biết người đàn ông đó chính là Tào Tháo, đã chết lúc 65 tuổi vào năm 220, người phụ nữ lớn tuổi là vợ và cô gái là người hầu. Trong số di vật được tìm thấy có những bức tranh bằng đá miêu tả cuộc sống của Tào Tháo, các bàn đá khắc vật cúng tế và một số vật dụng cá nhân có dòng chữ cho thấy là vật dùng của Ngụy Vũ Vương.
|
Một nhà khảo cổ từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhấn mạnh: “Các tấm thẻ có câu khắc về những thứ của Tào Tháo là bằng chứng thuyết phục nhất. Không ai có thể sở hữu quá nhiều di vật được khắc những thứ liên quan tới Tào Tháo trừ khi đó là ông”. Nhà nghiên cứu Hác Bổn Tính tại Ban quản lý Di tích văn hóa tỉnh Hà Nam cũng nói: “Rõ ràng lăng mộ này được xây dựng với kiểu cách và quy mô dành cho hoàng đế mà một đường hầm dài 40m dẫn tới cổng lăng mộ là một ví dụ”. Ngôi mộ này được xây dựng và trang trí trong điều kiện khắc nghiệt, như sử sách mô tả rằng Tào Tháo ra lệnh ngôi mộ phải được xây trên một vùng đất khô cằn, không có gò đống, không thể trồng bất cứ cây gì trên đó và không có vàng bạc châu báu, ông Hác Bổn Tính cho biết thêm.
Theo nhà khảo cổ học Lưu Khánh Trụ, vị trí của lăng mộ chỉ cách Nghiệp Thành - trung tâm chính trị của nhà Ngụy ngày trước - vài cây số. Điều đó càng củng cố thêm khả năng đấy là mộ của Tào Tháo. Nghiệp Thành nằm gần huyện Lâm Chương của tỉnh Hà Bắc ngày nay. Sử liệu cho hay Tào Tháo đã xây lầu Đồng Tước nổi tiếng và bắt những cô gái đẹp về đây để đàn hát mua vui. Trước khi chết, Tào Tháo căn dặn rằng ông muốn lăng mộ của mình được xây ở một nơi mà con cháu có thể nhìn thấy từ ngôi lầu này bất cứ khi nào họ nhớ tới ông, hay từ trong cõi âm ông có thể thưởng thức các buổi ca hát tại Đồng Tước.
Các chuyên gia nói rằng công việc khai quật lăng mộ chỉ mới ở giai đoạn đầu và việc nghiên cứu sâu thêm sẽ cho thấy tầm quan trọng của sự khám phá cũng như vai trò của Tào Tháo trong lịch sử. “Lăng mộ này là nơi lưu giữ lại thời đại mà Tào Tháo đã sống. Nó đóng vai trò như một nơi tham chiếu về thời gian cho các di tích khảo cổ vốn rất khó biết được niên đại khác”, ông Lưu nói.
Tào Tháo, tự là Mạnh Đức, là nhà thơ, nhà chính trị, quân phiệt cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Trong bộ tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Tào Tháo được hư cấu thành một con người gian hùng, đa nghi, đầy thủ đoạn. Trong sử sách, Tào Tháo là một nhà quân sự, một nhà chiến lược và thi sĩ kỳ tài với nhiều mặt xấu tốt đan xen. Sử liệu cho biết ông có 25 người con.
Văn Khoa
Bình luận (0)