Những người nổi tiếng qua đời năm 2009

30/12/2009 09:26 GMT+7

Các biên tập viên của hãng tin AFP đã chọn ra danh sách 10 người nổi tiếng thế giới qua đời trong năm 2009:

Helen Suzman (sinh ngày 7.11.1917 - mất ngày 1.1.2009)

Nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, thành viên trong Quốc hội Nam Phi từ năm 1953 đến năm 1989, là luật sư đầu tiên đến thăm ông Nelson Mandela khi ông này ở tù.

Sau khi Mandela trở thành tổng thống vào năm 1994, bà cũng có những đóng góp quan trọng cho chính phủ mới trong công cuộc chống lại bệnh AIDS, nạn tội phạm và tình trạng thất nghiệp ở nước này.

Jade Goody (5.6.1981 - 22.3.2009)

Là ngôi sao trong loạt phim truyền hình thực tế Big Brother của Anh. Năm 2007, Goody đã rất xấu hổ sau khi cô nói xấu ngôi sao Bollywood Shilpa Shetty, người cũng tham dự chương trình này.

Tuy nhiên, Goody đã có lời xin lỗi với Shetty và lại được công chúng yêu mến. Nhưng chính lúc này, cô phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ. Goody dành hết những ngày còn lại để kiếm tiền cho hai cậu con trai.

Feroz Khan (25.9.1939 - 27.4.2009)

Diễn viên, đạo diễn, nhà biên tập, nhà sản xuất phim người Ấn Độ, được mệnh danh là Clint Eastwood của phương Đông. Khan từng xuất hiện trong hơn 50 phim với vai cao bồi. Ông qua đời vì bệnh ung thư tại trang trại của mình ở Bangalore, Ấn Độ.

Ông thành danh qua các phim Oonche Log (1965), Arzoo (1965) nhưng nổi tiếng nhất là Qurbani (1980) trong vai trò là diễn viên, đạo diễn lẫn nhà sản xuất.

 

Millvina Dean - Ảnh: AFP

Millvina Dean (2.2.1912 - 31.5.2009)

Millvina Dean là người duy nhất trên con tàu Titanic còn sống cho đến nay kể từ sau khi con tàu này bị chìm vào ngày 14.4.1912. Bà chưa từng kết hôn và cũng chẳng có con cái.

Bước vào tuổi 70 và cho đến cuối đời, Dean trở thành ngôi sao quốc tế khi được thế giới biết đến như là hành khách duy nhất còn sống sót của con tàu yểu mệnh ấy.

Michael Jackson (29.8.1958 – 25.6.2009)

 

Michael Jackson - Ảnh: AFP

Một ca sĩ nhạc pop tài hoa, một vũ công xuất sắc, Jackson là một trong số ít nghệ sĩ hai lần được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll.

Ông hoàng nhạc pop này còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật khác, trong đó có kỷ lục album bán chạy nhất mọi thời đại dành cho Thriller và danh hiệu "Nhân vật giải trí thành công nhất mọi thời đại", 13 giải Grammy, 13 đĩa đơn quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ và 750 triệu album được tiêu thụ trên toàn thế giới.

Sự nghiệp âm nhạc rất thành công cùng đời tư phức tạp đã khiến anh trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa đại chúng gần suốt bốn thập niên qua.

Trong những năm cuối đời, Michael Jackson vẫn được mệnh danh là người đàn ông được nhắc đến nhiều nhất hành tinh.

Kim Dae-Jung (3.12.1925 - 18.8.2009)

Kim Dae-Jung, cựu Tổng thống Hàn Quốc, nhà vận động dân chủ, từng là mục tiêu của các vụ ám sát. Năm 1980, ông bị kết án tử hình vì tội mưu phản, nhưng giảm xuống mức lưu vong. Khi đất nước lâm vào khủng hoảng, người dân kêu gọi ông về nước. Kim đắc cử ghế tổng thống vào tháng 12.1997.

Ông Kim nhận giải Nobel Hòa bình nhờ vào cái bắt tay lịch sử với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il hồi tháng 6.2000, tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi hai miền chia cắt. Cuộc gặp là đỉnh điểm của “Chính sách Ánh Dương” thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Edward Kennedy (22.2.1932 - 25.8.2009)

Được xem như là người tiếp nối sự nghiệp của hai người anh xấu số John F. Kennedy và Robert Kennedy, Edward được biết đến là một trong những thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn nhất của Washington.

“Con sư tử của Dảng Dân chủ” này đã giúp chính phủ ban hành nhiều chính sách để bảo vệ quyền công dân và quyền của người lao động, mở rộng hệ thống y tế, cải thiện tình hình giáo dục, tăng hỗ trợ cho sinh viên và kiềm chế tình trạng tràn lan của vũ khí hạt nhân.

Ngày 25.8.2009, Edward qua đời vì bị u não.

Marek Edelman (1922 - 2.10.2009)

Edelman từng là thủ lĩnh cuộc nổi dậy của người Do Thái trong trại tập trung getto ở Warszawa (thủ đô Ba Lan) chống phát xít Đức vào năm 1943.

Người Ba Lan gốc Do Thái này là người mẫu mực bởi suốt đời đấu tranh bền bỉ để xây dựng tự do và bảo vệ nhân quyền.

Năm 2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trao cho Marek Edelman Huân chương danh dự Bắc Đẩu bội tinh.

Claude Levis-Strauss (28.11.1908 - 30.10.2009)

Claude Levis-Strauss, nhà nhân loại học cấu trúc người Pháp gốc Do Thái, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng trên khắp toàn cầu khi ông định hình cho tư duy phương Tây về văn minh nhân loại, lập nên một hệ thống lý thuyết nhân loại học (Anthropologue) vững chắc, giàu tính trải nghiệm.

Đóng góp lớn nhất của Levis-Strauss là những suy nghĩ, kiến giải của ông về nền văn minh nhân loại, đặc biệt qua hai công trình Họ tộc và Lịch sử (Race et Histoire) và Nhiệt đới buồn (Tristes tropiques), được viết bởi một văn phong phóng túng, hồn nhiên, thân mật, như dạng nhật ký, ghi lại những hồi ức đã qua từ những cuộc thám hiểm, song qua đó lý giải được những điều huyền hoặc trong các nền văn hóa và trong các mối quan hệ của con người.

Grand Ayatollah Hossein Ali Montazeri (1922 - 19.12.2009)

Đại giáo chủ Hồi giáo Hossein Ali Montazeri, người đấu tranh cho dân chủ, được xem là nguồn động viên cho những người ủng hộ nhân quyền và cải cách tại Iran. Ông cũng là người lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Hoàng Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.