Làm công dân toàn cầu

31/12/2009 21:57 GMT+7

Đi nước ngoài như… cơm bữa Nhiều bạn trẻ VN đã lập nghiệp ở khắp nơi trên thế giới hay quản lý công việc đa quốc gia. Cuộc sống một "công dân toàn cầu" như họ thật nhiều thú vị và cũng trải qua không ít thử thách.

"Đi nhiều, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống và các nền văn hóa khác nhau, Đan có cảm giác như mình đang là thành viên của gia đình thế giới chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia nữa" - Phạm Vũ Minh Đan tâm sự.

Làm việc xuyên biên giới

Tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Phạm Vũ Minh Đan đã có chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài khi vào học trường ĐH Công nghệ NanYang (Singapore), chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Với tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu, Minh Đan được nhận vào vị trí Quản trị viên tập sự của Công ty British American Tobacco Việt Nam. Sau đó, yêu cầu công việc đã cho cô gái trẻ 24 tuổi này cơ hội sinh sống và làm việc tại London (Anh).

"Trong dịp Tết năm nay, chúng tôi sẽ thử nghiệm việc giúp học sinh sớm đầu tư cho tương lai bằng trại Xuân "Phương pháp đột phá tư duy sáng tạo", nhằm đào tạo, huấn luyện các em chuẩn bị hành trang để trở thành công dân toàn cầu. Những đặc điểm của một công dân toàn cầu mà chúng tôi muốn định hướng cho các em thông qua trại Xuân là: độc lập, chủ động, sáng tạo trong suy nghĩ, biết thích nghi và hòa hợp với cộng đồng" - Tiến sĩ Lê Tấn Bửu - Trưởng khoa Thương mại - Du lịch - Marketing trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Trở về Việt Nam với chức vụ Phó phòng tuyển dụng sinh viên chưa lâu, Minh Đan tiếp tục được cử đi Malaysia làm việc trước khi trở về đảm nhiệm các chức vụ quan trọng khác. Giờ đây, ở tuổi 27, Minh Đan đã là Giám đốc đào tạo và phát triển vùng châu Á - Thái Bình Dương của công ty nói trên. Học tập, công việc đã cho Minh Đan những cơ hội sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, và khó có thể kể hết số lần cô bước ra sân bay đi nước ngoài.

Do đặc thù công việc của một kỹ sư trên giàn khoan nên Võ Lâm Nghi Thủy (sinh năm 1979) có cơ hội làm việc xuyên biên giới tại những quốc gia dầu mỏ. Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nghi Thủy làm việc cho Hãng hàng không Vietnam Airlines sau khi tham gia chuyến thực tập theo một suất học bổng tại Singapore. Khát vọng được làm việc trong môi trường quốc tế nên anh mạo hiểm chuyển sang làm trái nghề trong cương vị một kỹ sư dầu khí cho Công ty Schlumberger. Ngay lập tức, anh được điều đến làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Scotland cho tới đầu năm nay. Trước đó, anh cũng từng tham gia các khóa đào tạo tại Đức, Pháp, Mỹ…


Phạm Vũ Minh Đan

Thách thức nhưng thú vị

Khoảng thời gian làm việc ở Anh là lúc Đan cảm thấy lúng túng nhiều nhất bởi nơi đây chỉ có 50% nhân lực là người bản xứ, số còn lại đến từ rất nhiều nơi trên thế giới. Chính môi trường tưởng như khắc nghiệt đó đã khiến Đan học được cách sống hòa đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa. “Điều quan trọng là mình cần có sự chuẩn bị chủ động về mọi mặt trước khi tới một vùng đất mới", Đan chia sẻ kinh nghiệm.

Với Nghi Thủy, cuộc sống nơi giàn khoan tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ban đầu cũng gian nan không kém. Gian nan đến từ một công việc trái nghề, khắc nghiệt, độc hại, nguy hiểm và những sinh hoạt không đầy đủ của những ngày lênh đênh trên biển. "Với một kỹ sư dầu khí trên biển, ba ngày không tắm gội và nhiều ngày đêm không được chợp mắt là chuyện bình thường" - Thủy cho biết. Sự cô đơn càng đến nhiều hơn khi suốt một năm sống nơi đất khách anh không gặp bất kỳ người Việt Nam nào. Cho đến khi khả năng thích nghi của bản thân có đủ, anh lại nhận thấy môi trường đó tạo ra sự trưởng thành của bản thân rất nhiều. Và trong số hàng loạt những điều học được, cái lớn nhất mà anh thu về chính là sự thích ứng để làm tốt nhất công việc và sống tốt nhất dù ở bất cứ nơi nào.

Quản lý IT vùng Đông Nam Á của Rich


Huỳnh Thiên Luân hướng dẫn công việc cho nhân viên - Ảnh: K.A

Từ một người quản lý mạng internet của một công ty sản xuất nhỏ, chỉ trong vòng hai năm, Huỳnh Thiên Luân (32 tuổi) đã trở thành quản lý IT vùng Đông Nam Á của tập đoàn Rich (Mỹ). 

Từ khi còn đi học (khoa CNTT trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Huỳnh Thiên Luân đã xác định con đường tương lai của mình là trở thành một kỹ sư mạng giỏi có thể làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia. Sau khi tốt nghiệp (năm 2002), anh nhanh chóng tìm được việc làm đúng ngành nghề đã học tại Công ty Kim An Son (Hàn Quốc). Sau đó Luân lại đầu quân cho tập đoàn Rich (Mỹ). Đây thật sự là bước nhảy ngoạn mục đối với Luân, tuy làm việc tại Việt Nam nhưng anh là người quản lý IT vùng Đông Nam Á cho Rich, đảm nhiệm cùng lúc 3 mảng công việc: network (hệ thống mạng), ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp) và system support (hỗ trợ hệ thống mạng). Luân cho biết Rich là một công ty đa quốc gia nên hệ thống công nghệ mang tính liên kết đa vùng miền, nhiều lãnh thổ và được đầu tư thiết bị, công nghệ cao. Điều này đồng nghĩa với việc IT phải có tầm bao quát vấn đề hơn hẳn khi ở công ty nhỏ.

Cũng chính từ áp lực công việc đã giúp Luân hình thành tính chủ động cao. "Mỗi giờ không có internet cho mọi người làm việc công ty mất bao nhiêu tiền?", "Nhân viên các phòng ban làm việc sử dụng điện thoại rất nhiều tại sao không dùng điện thoại internet?"... là những câu hỏi anh đã đặt ra, tư vấn cho giám đốc điều hành về công nghệ đã được lãnh đạo công ty đánh giá cao và đồng ý cho triển khai thực hiện.

Khánh An

Hoạch định nhân lực toàn cầu


Ảnh: T.L

Với tấm bằng kỹ sư Công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Ngô Xuân Bằng (ảnh) đã đến với công việc IT tuy khô khan mà nhiều ma lực. 32 tuổi, anh đã có 10 năm làm kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó 5 năm phát triển phần mềm và 5 năm tư vấn triển khai hệ thống phần mềm. 

Hiện tại, trong vai trò Giám đốc hệ thống hoạch định nguồn nhân lực của Công ty TECTURA (Mỹ), Bằng thường xuyên phải "bay" trong nước lẫn ngoài nước để tư vấn hỗ trợ khách hàng. Bằng cho biết: các công ty ở Việt Nam hiện sử dụng phần mềm đơn lẻ không liên kết với nhau như phòng kế toán sử dụng một phần mềm, phòng kinh doanh, nhân sự dùng phần mềm khác… dẫn đến số liệu, dữ liệu của doanh nghiệp không đồng nhất, không liên kết với nhau, không thiết lập được các báo cáo quản trị; báo cáo cho công việc hằng ngày của các phòng ban dễ bị sai lệnh... Do đó việc công ty cần có hệ thống phần mềm quản lý đồng bộ kết nối các phòng ban với nhau là rất quan trọng…

Hằng ngày, ngoài việc điều phối các chuyên gia tư vấn, Bằng còn tham gia chia sẻ nguồn lực để hỗ trợ triển khai dự án cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngồi trong phòng làm việc nhưng Bằng phải liên tục xử lý những e-mail, điện thoại từ khắp nơi trong cả nước, cũng như ở Thái Lan hay Singapore… để yêu cầu được hỗ trợ nhân sự, những kiến thức kinh nghiệm nhằm hoàn tất các dự án…

Thiên Long

Phương Nguyên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.