* Nhìn một cách tổng quan, nền kinh tế VN trong năm 2010 sẽ diễn biến như thế nào dựa trên những chuyển biến của kinh tế thế giới?
- Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về tính không chắc chắn của quá trình phục hồi, nhưng nhận định phổ biến hiện nay là kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2010. Đầu tàu của sự phục hồi đó vẫn phải là các nền kinh tế lớn. Các chỉ báo sớm như chỉ số phát triển công nghiệp, số lượng giấy phép xây nhà mới, chỉ số thất nghiệp, chỉ số tồn kho... của các nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc nhìn chung đều diễn biến theo hướng tích cực. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) mới đây dự báo rằng, năm 2010, thương mại quốc tế sẽ tăng trưởng 2%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định ở cả nhóm nước đã phát triển (2%) lẫn đang phát triển (4%), và tăng trưởng GDP của thế giới đạt 3% - xấp xỉ với mức tăng trưởng trung bình dài hạn.
Phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, nền kinh tế VN sẽ có cơ hội từ sự phục hồi chung này. Cụ thể là xuất khẩu và FDI sau khi suy giảm khá mạnh năm 2009 có thể dần hồi phục trong năm 2010. Mặc dù sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhưng việc hiện thực hóa những cơ hội này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô của Chính phủ. Nếu không khéo thì đúng lúc nền kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ nhất lại là lúc VN phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô. Nguy cơ này được thể hiện qua một số dấu hiệu gần đây về tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán, căng thẳng trên thị trường ngoại hối, đua tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại và CPI tăng trở lại.
|
||
TS Vũ Thành Tự Anh |
* Có thể trên những cơ sở đó, nhiều chuyên gia trong nước đã dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế VN 2010 vào khoảng 6,5%. Liệu VN có đạt được tốc độ này khi vẫn còn ảnh hưởng bởi những dư âm của khủng hoảng tài chính toàn cầu?
- Năm 2010, với diễn biến kinh tế thế giới thuận lợi hơn, cùng với sự năng động và dẻo dai của nền kinh tế, đặc biệt là của khu vực kinh tế tư nhân, tôi tin là nếu các điều kiện vĩ mô được giữ ổn định thì tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể đạt 6,5%. Như vậy, câu hỏi không phải là liệu có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% hay không mà là nên đạt được bằng cách nào. Nếu không chú trọng tới việc cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, nhưng lại vẫn cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bằng mọi giá, thì hệ quả tất yếu là tăng trưởng sẽ phải nhờ vào việc mở rộng tài khóa và tiền tệ quá mức. Kết quả cuối cùng là lạm phát, bất ổn vĩ mô, tăng trưởng kém bền vững, thậm chí suy giảm trong dài hạn. Đây là bài học đắt giá thu được từ những thăng trầm của nền kinh tế trong mấy năm trở lại đây.
Trái lại, nếu đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, đồng thời từng bước khắc phục những nút thắt cổ chai vốn có của nền kinh tế về cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực thì với nội lực sẵn có, tôi tin nền kinh tế VN sẽ duy trì được mức tăng trưởng 6 - 7% một cách ổn định và bền vững.
* Vậy thưa TS, trong bối cảnh đó, những vấn đề có thể gây lo ngại nhất đối với kinh tế VN năm 2010 là gì?
- Vấn đề trước mắt là thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng tăng, gây sức ép giảm giá VND và làm giảm dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, thâm hụt ngoại thương vẫn tiếp tục gia tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế trong khi các nguồn ngoại hối khác như đầu tư nước ngoài, kiều hối, ODA... không đủ bù đắp. Thứ hai, có dấu hiệu cho thấy người dân và doanh nghiệp đã và đang chuyển sang nắm giữ USD và vàng.
Vấn đề xa hơn một chút là nguy cơ CPI tăng trở lại vào quý II năm 2010. Tốc độ tăng cung tiền và tín dụng của VN trong năm 2009 lên tới trên dưới 40% là mức rất cao. Điều này giúp nền kinh tế hồi phục nhưng hệ quả là sau một độ trễ nhất định, thường trong khoảng 5 - 7 tháng, thì CPI sẽ cao trở lại. Đấy là chưa kể tới tác động của một số yếu tố khác tới CPI, chẳng hạn như tăng tỷ giá USD/VND, giá năng lượng và lương thực tăng trở lại cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, kế hoạch tăng lương tối thiểu trong năm 2010...
Thâm hụt ngân sách là một vấn đề đáng lo ngại trong trung và dài hạn. Vấn đề không chỉ nằm ở tình trạng thâm hụt ngân sách mà còn ở nguyên nhân và cách tài trợ thâm hụt. Nếu thâm hụt ngân sách bắt nguồn từ việc đầu tư cho những dự án hiệu quả, và vì vậy mang lại ích lợi cho nền kinh tế trong tương lai thì không đáng ngại. Trái lại, nếu thâm hụt là do giải cứu những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, hay đầu tư vào những dự án kém hiệu quả thì rất nguy hiểm. Nếu thâm hụt được tài trợ nhờ tăng nguồn thu thuế do doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển thì sẽ bền vững, nhưng nếu nhờ tận thu thuế sẽ chèn lấn khu vực doanh nghiệp tư nhân và gây ra nguy cơ lạm phát.
* Một vấn đề nóng hậu khủng hoảng là tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế. Quan điểm của TS liên quan đến vấn đề này?
- Đây là một vấn đề rất phức tạp. Điều quan trọng nhất là cần phải thật khách quan nhìn lại những điểm yếu cơ bản, có tính cố hữu của nền kinh tế, được bộc lộ một cách hết sức rõ nét qua những thăng trầm trong giai đoạn vừa qua. Những thành công và thất bại của các nền kinh tế khác nếu được chắt lọc một cách đúng đắn sẽ là những bài học quý báu cho nỗ lực cải cách cơ cấu của nền kinh tế. Thái độ thực sự cầu thị của các cơ quan hoạch định chính sách cũng là điều kiện không thể thiếu để có thể tiếp nhận được những góp ý có giá trị từ xã hội, từ cộng đồng các chuyên gia trong và ngoài nước.
N.Trần Tâm (thực hiện)
Bình luận (0)