Lên cột mốc biên giới

01/01/2010 22:09 GMT+7

Chúng tôi đã có chuyến hành quân 4 ngày, đêm băng rừng lội suối cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng 571 (thuộc xã Phú Gia, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) lên cột mốc biên giới N7.

Trong tiết trời giá rét, đường rừng nguy hiểm, đoàn chúng tôi gồm 10 người phải trèo lên những đèo dốc cheo leo, vượt qua những vực sâu thăm thẳm. Các chiến sĩ biên phòng tay xách, lưng mang xoong, chảo, mì tôm, lương khô, nước uống...

Tỉnh Hà Tĩnh giáp ranh với nước bạn Lào, có tất cả 10 cột mốc, ranh giới phân lãnh thổ Việt Nam - Lào. Lần này, chúng tôi đến cột mốc N7 nằm về phía Bắc (được xây dựng vào năm 1980) sau khi Hiệp định biên giới Việt - Lào 1977 được ký kết.

Để đến cột mốc N7, phải đi qua dốc Trụt Tru, cao 1.400m so với mặt nước biển, dài gần 2 km mà mọi người thường gọi là “dốc chó ngáy” (vì qua dốc này chó không leo được mà phải có người bồng đi, còn chó thì ngủ). Từ đó băng rừng, lội suối. Các chiến sĩ dùng dao phát cây, mở đường...

Đêm đến, các chiến sĩ không ngủ mà thay phiên nhau canh gác. Để tránh cái rét thấu xương khi đêm xuống trong rừng sâu, các anh lấy củi để đốt lên. Sáng tỉnh dậy, lại sắp xếp hành trang lên đường. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 18.12 - ngày thứ hai theo lịch trình, chúng tôi đặt chân đến cột mốc N7.

 Các chiến sĩ biên phòng đeo quân hiệu, chỉnh sửa quân trang chỉnh tề, làm lễ chào cờ trước cột mốc. Tôi vinh dự đứng trong hàng ngũ đó, cùng cất lên giai điệu trầm hùng bài Tiến quân ca. Giây phút ấy mới thiêng liêng làm sao! Sau đó, trung úy Nguyễn Chí Cường cùng các chiến sĩ đo đạc, ghi chép lại hiện trạng cột mốc - việc phải làm trong mỗi lần đến từng cột mốc biên giới.

Bốn ngày đêm băng rừng, lội suối, những người làm báo như chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả, công việc thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng đang hằng ngày bảo vệ biên giới Tổ quốc thân yêu.

Bài và ảnh: Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.