Thuộc họ me keo, lá có gân dài ba cánh giống như điệp rừng, xếp thành hai hàng. Hoa màu tím nhạt, già trở màu vàng úa, mọc chùm. Trái dài 4-6cm, màu xanh, hạt như đậu ván dẹp, trắng ngà, khi chín màu đen. Cây cao 1,5-2m, thân, lá, rễ và hoa đều là vị thuốc. Mọc hoang hoặc trồng làm hàng rào ở các vùng nông thôn.
Trong nha khoa, cây đậu chiều là phương thuốc nam thần diệu, được các lương y bào chế thành dược liệu chuyên trị đau, sưng, nhức lợi nướu cho người lớn và trẻ em.
- Trẻ em sốt, thức đêm khóc (vì mọc răng), bị té, bị gãy răng, sâu răng, ăn xương cứng mẻ răng, viêm nướu: Hái 15-20 lá đậu chiều (mặt trên đã chuyển màu tím thẫm) rửa sạch, cho vào ½ muỗng muối, giã nhuyễn (nếu trẻ con thì dùng 5-7 lá), vắt lấy nước uống. Sau 10 phút sẽ dứt nhức răng, đau răng, cầm máu. Nếu trẻ bị chấn thương răng, lược lấy nước pha vào 1 muỗng mật ong (hoặc đường) cho uống (khoảng 3ml).
- Người cao tuổi chảy máu cam, đau nhức răng hàm: Hái 10 lá đậu chiều rửa sạch, cho vào 1 muỗng muối, đâm nhuyễn, ngậm bã, nuốt nước. Sau 5 phút sẽ có tác dụng.
- Người cao tuổi răng yếu, ăn nhầm xương cứng, bị nhức nướu, bị trầy xước, khó ngủ: Chỉ cần hái 5 lá đậu chiều nhai dập, nuốt nước.
Ngoài ra, cây đậu chiều cũng được dùng chữa các bệnh như:
- Đi rừng bị nhiễm nước, muỗi đốt, về nhà sốt: Hái một nhánh (gồm thân, cành, lá đậu chiều) khoảng 150-250gr, xắt khúc 3cm, rửa sạch, sao khử thổ, nấu sôi trong 15 phút. Uống 3 lần/ngày sẽ hạ sốt.
- Đi chơi xa, uống nước lạ bị đau bụng, tiêu chảy, nhiễm độc thực phẩm: Nấu từ 15-20 lá đậu chiều trong 0,5 lít nước còn 150ml. Uống 2 lần vào buổi chiều (trước lúc ăn), tối (trước lúc ngủ) sẽ giải độc, dứt đau.
- Trẻ nhỏ, người cao tuổi dương thận suy, tiểu đêm, mỏi hai bên hông: Sao 200gr thân, rễ, lá đậu chiều, nấu trong 750ml nước còn 150ml. Uống 3 lần/ngày.
- Trái, hạt đậu chiều nấu trong 1 lít nước với 50gr lá sả còn 250ml, gội đầu, lau khô, thêm 5ml nước cốt chanh 1 lần/tuần giúp tóc đen mượt óng ả và không sợ bị gầu (1 tuần/lần).
Đông y sĩ Kiều Bá Long
Bình luận (0)