Mặc dù là cuối tuần, nhưng 2 ngày qua trẻ em vào hai bệnh viện (BV) nhi lớn ở TP.HCM là BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 rất đông. Hầu hết các khoa điều trị ở 2 BV này đều quá tải trầm trọng, nhiều khoa phải cho 2-3 trẻ nằm một giường, tràn ra hành lang...
Nằm đôi, nằm ba
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, nói: “Sở dĩ có tình trạng bệnh nhi đông ở ngày cuối tuần này là do dịp nghỉ Tết dương lịch năm nay liền kề hai ngày cuối tuần, trẻ được bố mẹ cho đi chơi nhiều, đi chơi xa, trong khi thời tiết buổi sáng thì lạnh, trưa lại nắng nóng nên dễ khiến trẻ bị mệt, cảm sốt, đau đầu, nhiễm lạnh... buộc nhiều bố mẹ phải bồng trẻ vào BV ngay là vậy”.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng, phân tích thêm: “Thời điểm cuối năm là lúc trẻ dễ mắc bệnh ở đường hô hấp, mà gặp nhiều nhất là viêm tiểu phế quản (do vi-rút phát triển nhiều trong khoảng thời gian này). Biểu hiện thường gặp ở trẻ viêm tiểu phế quản là trong 1, 2 ngày đầu rất giống với nhiễm siêu vi (sốt, ho), nhưng đặc biệt ở bệnh này trẻ ho rất dữ dội, giống như ho gà, và trẻ sẽ trở nặng ở ngày thứ 3, thứ 4 nếu không điều trị tốt. Kế nữa là cần lưu ý về viêm phổi do nhiễm lạnh, nhiễm siêu vi đường hô hấp trên. Vì vậy các phụ huynh cần đưa trẻ đi viện kịp thời khi có biểu hiện bệnh”.
Do quá đông, buộc chúng tôi chỉ khám cho mỗi trẻ chỉ vài ba phút mà thôi. Nếu khám lâu hơn thì bệnh ứ lại, phụ huynh bồng con chờ bên ngoài nóng ruột, nhiều khi khiến họ bực dọc
|
|
Một bác sĩ BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) |
Có mặt tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 hôm qua, PV Thanh Niên ghi nhận có khoảng 200 trẻ nằm viện điều trị nội trú, khoa buộc phải cho trẻ nằm đôi, nằm ba, vì số giường không đủ so với lượng bệnh nhi nằm điều trị... Tương tự, tình trạng quá tải cũng xảy ra tại khoa Nhiễm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, lưu ý: “Thời tiết những ngày qua cũng dễ làm trẻ mắc bệnh viêm màng não nhiều, do lạnh. Trong số bệnh nhi đang nằm tại khoa Nhiễm, chiếm nhiều nhất là bệnh viêm màng não với 26 bệnh nhi. Để đề phòng trẻ bị viêm màng não, phụ huynh cần chú ý chữa trị triệt để những bệnh tai mũi họng cho trẻ".
Ngoài các bệnh do thời tiết, bác sĩ Tăng Chí Thượng khuyến cáo: “Tại thành phố, phụ huynh không được lơ là với các bệnh sốt xuất huyết; tay chân miệng và nhất là bệnh đường tiêu hóa ở trẻ thường gia tăng rất nhiều dịp cuối năm. Cách phòng chống tốt nhất là giữ vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, sinh hoạt”.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Phỏng - Chấn thương chỉnh hình BV Nhi đồng 1, lưu ý thêm: “Năm nào cũng vậy, thời điểm cuối năm là lúc các BV nhi tiếp nhận rất nhiều trẻ bị tai nạn sinh hoạt (như phỏng, té ngã...). Nguyên nhân do cận Tết, người lớn bận rộn dẫn đến việc chăm nom trẻ không được chu đáo. Nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt rất đáng tiếc”.
Đổ xô về bệnh viện lớn
...và tràn ra hành lang |
Hiện bình quân mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khám, điều trị cho từ 4.500 đến 5.500 lượt bệnh nhi, có ngày cao điểm lên đến từ 6.000 - 7.000 trẻ, buộc mỗi bác sĩ trong một buổi sáng phải khám cho trên dưới 100 bệnh nhi. Trong khi đó, theo thống kê của BV Nhi đồng 1, hơn 50% lượng bệnh đến khám và điều trị tại đây là từ các tỉnh thành chuyển về.
Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê cho biết bình quân mỗi ngày BV này cũng tiếp nhận từ 3.500 - 4.000 bệnh nhi, có ngày tới 4.500 - 5.000 bệnh nhi đến khám, điều trị. Do vậy, bệnh nhi đến phải chờ đợi rất lâu, còn y, bác sĩ thì cũng mệt nhoài, không có nhiều thời gian để hỏi bệnh cặn kẽ.
“Do quá đông, buộc chúng tôi chỉ khám cho mỗi trẻ vài ba phút mà thôi. Nếu khám lâu hơn thì bệnh nhân ứ lại, phụ huynh bồng con chờ bên ngoài nóng ruột, nhiều khi khiến họ bực dọc”, một bác sĩ BV Nhi đồng 1 nói.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, để giảm tải cho các BV tuyến trên, địa phương cần đầu tư thêm nhiều giường bệnh nhi, nhất là ở tuyến BV huyện. "Nếu mỗi tỉnh đều có BV chuyên khoa nhi, đảm nhận điều trị được nhiều loại bệnh cho trẻ, thì tuyến trên sẽ giảm tải hẳn. Thực tế hiện nay ở các tỉnh số giường bệnh dành cho điều trị bệnh nhi chưa nhiều, nhiều BV có khoa nhi, nhưng khám là chính, còn giường bệnh điều trị nội trú thì rất ít", bác sĩ Thượng nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không riêng gì các tỉnh chưa được đầu tư đúng mức cho điều trị bệnh nhi, mà ngay cả một số BV tuyến quận, huyện ở TP.HCM có chuyên khoa Nhi nhưng thực tế chỉ có 1, 2 bác sĩ nhi và chủ yếu khám những bệnh thông thường, còn lại chuyển viện là chính...
Thanh Tùng
Bình luận (0)