Cầu Long Biên sẽ ra sao?

04/01/2010 00:41 GMT+7

Nếu không có gì thay đổi, không lâu nữa, khi tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên đi vào hoạt động, cầu Long Biên sẽ không còn tàu hỏa, thay vào đó là ba làn xe hoặc trở thành cây cầu đi bộ...

Hiếm có cây cầu nào ở VN lại cổ kính tới mức cũ nát như cầu Long Biên. Nhưng cũng ít có chiếc cầu nào lại ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ và làm tốn giấy mực, phim ảnh của những người viết, vẽ đến thế.

Nhưng tất cả có thể thay đổi trong nay mai, khi tuyến đường sắt trên cao sẽ được xây cách Long Biên chỉ vài chục mét. Đó là tuyến đường sắt nội thị  trong đó có đoạn chạy trên cao dài 28 km từ Ngọc Hồi đến Yên Viên trị giá gần 20.000 tỉ đồng tiền vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời với dự án này, cầu Long Biên cũng sẽ được gia cố để có hình thức gần nhất với nguyên trạng trong điều kiện có thể. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, bộ này đang tìm phương án khả thi để thay thế đường sắt bằng đường dành cho xe cơ giới. Trong khi đó, các nhà tư vấn Pháp đề nghị dành cây cầu cho người đi bộ và phương tiện nhỏ.

Trong tâm khảm của người dân thủ đô, cầu Long Biên là một di tích lịch sử văn hóa, thậm chí được xem như một biểu tượng của Hà Nội. Long Biên cũng từng đi vào sử sách với tư cách một cây cầu dài thứ hai thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn ở New York), là nơi những toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, nóc cầu là chỗ bố trí các trận địa pháo bắn máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại.

Nhưng cho đến nay, cầu Long Biên vẫn chưa được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa. Đã không phải là một di tích thì về nguyên tắc có thể dỡ bỏ nó cũng được, miễn là làm sao đảm bảo lợi ích kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng ta không mong muốn, bởi cầu Long Biên từ lâu đã trở thành một bộ phận khó có thể tách rời của kiến trúc, cảnh quan Hà Nội.

Bài, ảnh: Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.