“Thử ADN là một giải pháp tốt, nhưng tìm kiếm hậu duệ thực sự của Tào Tháo trong thời đại ngày nay có thể rất khó khăn”, Lý Mỹ Điền, giáo sư khoa Lịch sử thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, phát biểu. Theo ông, cần so sánh mẫu ADN trên bộ xương của người được cho là Tào Tháo với ADN của Tào Thực, con trai Tào Tháo.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 28 mẩu xương của Tào Thực vào năm 1951 và chúng đang được bảo quản tại thành phố Tân Tương thuộc tỉnh Hà Nam. Ngày 27.12.2009, Cơ quan Quản lý di sản văn hóa Trung Quốc tuyên bố các nhà khảo cổ đã khai quật mộ Tào Tháo tại làng Lương Tây Cao Học ở thành phố An Dương, Hà Nam.
Công nhân của một lò gạch trong làng đã phát hiện ngôi mộ khi xúc đất để làm gạch vào tháng 12.2008, nhưng chẳng ai xác định được chủ nhân của mộ cho đến khi nhà chức trách thu giữ một số bài vị có dòng chữ “chủ soái quân đội Ngụy quốc” từ những kẻ đào trộm mộ.
Trong quá trình khai quật kéo dài gần 1 năm qua, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương của một người đàn ông, được cho là Tào Tháo, và 2 phụ nữ, cùng hơn 250 di vật. Tuy nhiên một số nhà khảo cổ đã đặt nghi vấn về ngôi mộ do nó không có văn bia ghi tên Tào Tháo. Họ tin đó là bằng chứng quan trọng nhất để xác định chủ nhân của mộ.
T.Q
Bình luận (0)