Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề bị phạt tới 40 triệu đồng

05/01/2010 18:28 GMT+7

Chính phủ vừa có Nghị định số 116/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề. Theo đó, mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực này lên tới 40 triệu đồng.

Nghị định này gồm 5 chương, 37 Điều có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2010 và thay thế Nghị định số 73/2006/NĐ-CP trước đây quy định về lĩnh vực này.

Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề sẽ bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép thành lập, giấy đăng ký dạy nghề (GP) hoặc bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức trên còn bị áp dụng một trong 10 biện pháp khắc phục hậu quả.

Xử phạt nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề sẽ phạt tối đa đến 2 triệu đồng cho hành vi  làm mất GP nhưng không trình báo với có quan có thẩm quyền hoặc chậm đăng ký hoạt động từ 3-6 tháng kể từ khi hết hạn bắt buộc phải đăng ký.

Phạt tối đa tới 10 triệu đồng hành vi tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung nội dung GP; báo cáo sai các điều kiện để được cấp GP, thay đổi nghề đào tạo; mua bán, chuyển nhượng, cho thuê GP...

Đối với hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động hoặc giải thể cơ sở dạy nghề của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục hoạt động khi thời hạn trong GP đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu- 30 triệu tùy theo mức độ vi phạm.

Mức phạt cao nhất 40 triệu đồng dành cho hành vi thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề mà chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, hoặc có hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề.

Nếu cơ sở dạy nghề tuyển sai đối tượng, tiêu chuẩn học nghề từ 10 - 41 người học trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 5 triệu đồng. Mức phạt cho lĩnh vực này có thể lên tới 40 triệu đồng khi cơ sở có hành vi tuyển sai đối tượng  từ 41 người trở lên và tuyển vượt 30% số lượng cho phép. Ngoài việc phạt tiền, còn có thể bị tước quyền sử dụng GP từ 3 tháng - 1 năm nếu là vi phạm lần đầu và tước quyền sử dụng GP không thời hạn nếu vi phạm lần thứ 2.

Đối với hành vi cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trái quy định sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng. Tượng tự sẽ là mức phạt 15 triệu đồng cho cấp sai bằng trung cấp nghề và mức phạt 20 triệu đồng cho hành vi cấp sai bằng cao đẳng nghề. 20 triệu đồng cũng là mức phạt cho hành vi in ấn, phát hành phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng quy định.

Nghị định cũng quy định đối với hành vi sử dụng giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề không đủ tiêu chuẩn; sử dụng giả mạo Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng.

Mức phạt mới sẽ đủ sức răn đe

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có 102 trường cao đẳng nghề, 240 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn các cơ sở giáo dục khác có tổ chức dạy nghề.
 
Con số này sẽ tăng lên đạt 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề vào năm 2020, trong đó sẽ có 10 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới; 20 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của khu vực, 120 trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề trọng điểm quốc gia; chưa kể việc đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 6 triệu người lao động… (số liệu của Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020).
 
Để đạt mục tiêu dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người, nhằm bảo đảm vào năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cần chuẩn hóa hệ thống dạy nghề trên cả nước gắn với việc tăng cường các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý Nhà nước đối với công tác này.
 
Như vậy, với mức xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề nêu tại Nghị định trên cao gấp đôi so với các quy định cũ, có thể xem đây là khung pháp lý đủ sức răn đe những hành vi vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề hiện nay, giúp đưa hoạt động dạy nghề theo đúng quy chuẩn, chuyên nghiệp hóa mang lại lợi ích thiết thực cho người học.
Đáng chú ý là Nghị định mới cũng bổ sung thêm hành vi vi phạm về hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, cụ thể là áp mức cao đến 10 triệu đồng nếu cơ sở dạy nghề thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng sai sự thật về chất lượng của cơ sở và chương trình đào tạo. Đây là hành vi vi phạm mà chúng ta thường thấy nhất khi các cơ sở dạy nghề quảng cáo một cách "thái quá" trên sóng truyền hình hoặc các báo điện tử, các mạng quảng cáo trên internet.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.