An ninh hàng không "lột trần" hành khách

06/01/2010 22:53 GMT+7

Nội bộ EU đang chia rẽ sâu sắc vì quyết định liệu có nên lắp đặt máy quét toàn thân tại các sân bay.

Quyết định sử dụng phương pháp soi quét toàn thân hành khách tại các phi trường Anh và Hà Lan đã gây tranh cãi dữ dội suốt mấy ngày qua. Chính quyền EU hôm 5.12 đã chính thức yêu cầu các vấn đề còn bỏ ngỏ phải được giải quyết dứt điểm trước khi ra nghị quyết ủng hộ việc triển khai biện pháp nói trên. EU dự kiến sẽ có cuộc họp vào hôm nay để bàn về việc tăng cường kiểm soát an ninh tại các sân bay, vốn đang ở tình trạng báo động sau vụ đánh bom hụt máy bay Mỹ hôm Giáng sinh, theo AFP. Hệ thống máy quét, vốn đã được đưa vào sử dụng tại 19 sân bay của Mỹ, cho phép người ta "nhìn xuyên" qua áo quần của hành khách nhằm phát hiện bom và các chất gây nổ. Ý và Đức đã lên tiếng ủng hộ nhưng Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha Jose Blanco khẳng định sẽ không cho phép sử dụng thiết bị này nếu không có sự đồng ý của EU.

Ý tưởng sử dụng máy quét được đưa ra sau khi máy dò kim loại không thể phát hiện thiết bị gây nổ, được giấu trong quần lót của Umar Farouk Abdulmutallab trong âm mưu tấn công nói trên. Tuy nhiên, một số chuyên gia nói thiết bị này không thể tìm ra các loại vật chất như bột, chất lỏng, các mẩu nhựa nhỏ hay những thứ trông giống như da người. Tạp chí Time dẫn lời nghị sĩ Anh Ben Wallace, người đã tham gia nhiều thử nghiệm máy quét, nói ông không tin rằng chúng sẽ phát hiện được gói bột chất nổ giấu trong người Abdulmutallab. Ngoài ra, dù công nghệ có tinh vi tới đâu đi nữa thì những kẻ tấn công vẫn có thể tìm ra cách để lọt lưới. Scott Stewart, Phó chủ tịch Công ty tư vấn an ninh Stratfor có trụ sở tại Anh, nhận định rằng việc dựa dẫm vào máy quét toàn thân khiến nhà chức trách lờ đi những biện pháp hữu hiệu như huấn luyện lực lượng an ninh để tìm ra những hành khách đáng nghi. Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Guusje ter Horst thì khẳng định máy quét hoạt động tốt. "Việc quét cơ thể bằng sóng điện từ trên từng milimet sẽ phát hiện được những gì hành khách giấu trong người. Nhưng dĩ nhiên chúng ta không bao giờ chắc chắn được 100%", bà nói.

Giới hoạt động nhân quyền cho rằng việc "lột trần" hành khách vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư và luật chống khiêu dâm trẻ em vì qua màn ảnh, các nhân viên sân bay sẽ thấy được cả đường cong cơ thể. Giới chức Mỹ đã có một số biện pháp làm dịu đi những lời chỉ trích như buộc nhân viên an ninh theo dõi hình ảnh trong các phòng kín và không được mang theo các thiết bị ghi hình. Đại diện Công ty Smiths Detection, nhà sản xuất máy quét toàn thân lớn nhất thế giới, thì khẳng định phần mềm máy tính sẽ làm mờ đi những phần thân thể nhạy cảm. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ý Franco Frattini tuyên bố nếu cần thiết mọi người phải hy sinh sự riêng tư để đổi lấy an toàn. "Máy quét là biện pháp an ninh đáng tin cậy nhất của chúng ta hiện nay và an ninh chính là nền tảng của tự do", ông nói.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.