Nhà báo bị đánh

09/01/2010 01:36 GMT+7

Làm báo là một nghề nguy hiểm, biết là vậy. Nhưng cái kiểu đánh nhà báo như xảy ra lâu nay ở ta thì đừng đổ cho sự nguy hiểm của nghề !

Phóng viên (PV) Thế Dũng của Báo Người lao động bị đánh hội đồng ở cửa khẩu Lạng Sơn do anh đã chụp ảnh những chiếc xe chở gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Sau đó anh lại tiếp tục bị “tra tấn” trên xe bởi chính tài xế chiếc ô tô từng ra lệnh cho đàn em đánh anh.

Chưa hết, tay tài xế này còn chở thẳng Thế Dũng tới Đồn công an thị trấn Đồng Đăng với thách thức: “Tao chở vào công an để xem mày làm gì được tao!”. Liều cỡ đó thì… quá xá rồi! Nhưng vì sao tay tài xế này lại chở nhà báo bị đánh bầm mình vào thẳng đồn công an thị trấn? Có phải đây là một thách thức, một thông điệp hết sức trắng trợn được đưa ra không một chút ẩn ý, rằng công an ư, chuyện nhỏ, để xem mày làm được gì tại đồn công an nào. Ghê thật! Lâu nay nhà báo bị đánh cũng đã nhiều, nhưng bị đánh một cách đầy thách thức và đưa luôn nạn nhân vào đồn công an như “vụ Đồng Đăng” này thì mới xảy ra lần đầu.

Nhà báo, ngoài chuyện họ là công dân bình thường được pháp luật bảo vệ, quyền hành nghề của họ còn được Luật Báo chí bảo vệ. Nếu trước những cảnh sai quấy, phạm pháp, những hành động bị pháp luật nghiêm cấm, mà nhà báo không được quyền chụp ảnh, không được quyền đưa lên báo, thì thử hỏi, làm báo để làm gì? Đâu phải làm báo là để ca hót véo von, gặp anh buôn lậu gọi bằng cụ, gặp chàng tham nhũng chào bằng anh, gặp đám côn đồ kêu bằng bác…

Nhà báo ở ta, đúng là sơ sẩy một chút thì gặp chuyện chẳng lành. Trong các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ nghề báo, thì cái máy ảnh là vật dụng bị ghét nhất, hay bị đập nhất. Nhưng phóng viên tác nghiệp mà không có máy ảnh thì làm sao có một bài viết rõ ràng? Đành phải chụp ảnh, dù biết như thế rất nguy hiểm, có khi đến tính mạng. Tôi nghĩ, trong thời gian ngắn nhất, Công an thị trấn Đồng Đăng cần tìm ra ngay kẻ đi trên chiếc ô tô, đã đánh và chở PV

Thế Dũng vào đồn công an. Việc này chắc không khó, do gã tài xế coi trời bằng vung kia đã tự ý chường mặt ra trước các công an của đồn này rồi.

Hãy bắt đầu từ vụ này và vụ hành hung PV Báo Tiền Phong để lần giở những hồ sơ về chuyện đánh nhà báo những năm gần đây, rồi cùng nhau tìm một giải pháp để chấm dứt “vấn nạn” đánh nhà báo. Chứ nếu không, cứ gặp nhà báo đang tác nghiệp là… nện, thấy đang chụp ảnh là… đánh, thì còn trời đất công lý gì nữa!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.